Điều này một phần xuất phát từ quy định hiện hành không đề cập thời điểm kê khai, nơi nộp thuế bảo vệ môi trường với sản lượng xăng dầu mua, bán giữa các đầu mối kinh doanh.
Thuế bảo vệ môi trường là thuế gián thu, Nhà nước giao các thương nhân đầu mối thu trên số xăng dầu bán ra và nộp ngân sách. Từ tháng 4/2022 đến hết năm 2024, thuế bảo vệ môi trường với xăng (trừ ethanol) được hưởng ưu đãi là 2.000 đồng, dầu và mỡ nhờn 1.000 đồng trên mỗi lít, giảm 50% so với biểu khung thuế. Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, khối lượng tiêu thụ lớn, khi người tiêu dùng mua xăng dầu là trả ngay tiền hàng và thuế bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ nhận định, Tổng cục thuế và nhiều cục thuế thực hiện chưa đầy đủ, chưa đúng quy định, thiếu kiểm tra giám sát dẫn đến nhiều thương nhân khai thiếu thuế bảo vệ môi trường hàng nghìn tỷ đồng trong nhiều kỳ, nhiều năm.
Đơn cử, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức thường xuyên kê khai thuế bảo vệ môi trường lần đầu và hàng tháng sai, thiếu, không trung thực. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, từ 2018 đến hết 2021, tổng tiền thuế bảo vệ môi trường của doanh nghiệp này phải nộp tăng thêm gần 3.300 tỷ đồng.
Hay năm 2019, các doanh nghiệp kê khai thuế bảo vệ môi trường thiếu khoảng 4.900 tỷ đồng. Trong đó, Công ty Cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Tháp tự thỏa thuận thuế môi trường với các thương nhân đầu mối khác khi mua bán xăng dầu của nhau, dẫn đến các đơn vị liên quan kê khai thiếu thuế gần 17,3 tỷ đồng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp còn nợ hàng nghìn tỷ đồng thuế bảo vệ môi trường. Tính đến cuối tháng 10/2022, theo báo cáo của Tổng cục thuế, một số thương nhân đầu mối còn nợ, chưa nộp ngân sách 6.323 tỷ đồng thuế bảo vệ môi trường. Dẫu vậy, các thương nhân đầu mối lại cho một số cá nhân vay hàng nghìn tỷ đồng.
Ví dụ, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức từ 2017 đến 2022 cho Phó tổng giám đốc, ông Chu Đăng khoa, và Chủ tịch doanh nghiệp, bà Chu Thị Thành mượn gần 7.500 tỷ đồng. Đến thời điểm thanh tra, hai cá nhân này còn nợ công ty gần 1.400 tỷ.
Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil âm vốn chủ sở hữu 462 tỷ đồng, nợ thuế 1.246 tỷ, nợ Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) 212 tỷ nhưng cũng cho bà Mai Thị Hồng, Chủ tịch doanh nghiệp này, nợ gần 3.000 tỷ đồng. Tính tới cuối tháng 10/2023, Xuyên Việt Oil nợ thuế "khủng" hơn 1.500 tỷ đồng, chiếm gần 20% tổng nợ thuế 8.000 tỷ của TP HCM.
Gần đây, Cục thuế nhiều địa phương cũng ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh với một số chủ doanh nghiệp, trong đó có bà Chu Thị Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh Đức, do vẫn còn nợ thuế gần nghìn tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo rà soát, sửa đổi các quy định khai, nộp thuế bảo vệ môi trường, không để xảy ra tiêu cực, thất thu thuế. Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị chuyển hồ sơ vi phạm về khai, nộp thuế và sử dụng quỹ BOG tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức, Xuyên Việt Oil và Công ty TNHH Vận tải thuỷ bộ Hải Hà sang Bộ Công an xử lý.
Quỳnh Trang