Chia sẻ với báo chí chiều 26/2, ông Nguyễn Tô An nói, 3-4 tháng qua, từ khi nhiều đơn vị bị công an điều tra, ngành đăng kiểm phải đối mặt với sự bất ổn. Đăng kiểm viên vừa làm vừa lo bị bắt. Hàng chục người đã làm đơn xin thôi việc. Khoảng 7-8 người không được cho thôi việc song vẫn tự nghỉ, báo ốm, đi chữa bệnh.
Toàn ngành đang thiếu 30-40% đăng kiểm viên, nhiều trung tâm phải dừng hoạt động. Riêng đơn vị trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam thiếu khoảng 50%. Các trung tâm cần có 240 đăng kiểm viên để hoạt động bình thường thì một nửa số đó đang trong diện bị điều tra.
Số đơn vị đóng cửa đang có xu hướng nhiều hơn trước Tết. Hà Nội hiện chỉ còn 16 đơn vị với 30 dây chuyền hoạt động trong tổng số 31 đơn vị với 61 dây chuyền. Trước Tết, địa bàn này có 20 trung tâm hoạt động.
Theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, nguy cơ quá tải tại các trung tâm đăng kiểm trong những tháng tới đang hiện hữu. Hiện mỗi đơn vị chỉ còn 1-2 dây chuyền hoạt động, kiểm định tối đa 60 phương tiện mỗi ngày. Tình trạng thiếu hụt đăng kiểm viên trầm trọng nhất là ở TP HCM và Hà Nội, Hòa Bình, Bắc Kạn.
Tính toán số phương tiện đến hạn đăng kiểm cho thấy đến tháng 3, năng lực kiểm định của các trung tâm còn lại chỉ đạt 52% nhu cầu người dân tại Hà Nội và 53% tại TP HCM. Tháng 4, tại các đơn vị kiểm định ở TP HCM có thể ùn tắc nghiêm trọng do năng suất chỉ đạt 31% nhu cầu.
Do thiếu nhân sự, một số đơn vị vẫn huy động cả đăng kiểm viên bị khởi tố làm việc và nhận lương. "Hà Nội có 12 đăng kiểm viên bị khởi tố nhưng vẫn làm việc. Hệ thống đăng kiểm đang đứng trước nguy cơ bị đứt gãy, thậm chí sụp đổ khi nhân sự bị thiếu hụt nghiêm trọng", ông An nói.
Trong cuộc họp ngày 22/2 tại Hà Nội bàn giải pháp mở lại các trạm đăng kiểm bị đóng cửa, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam nhận được thông điệp của Công an Hà Nội sẽ xử lý các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, sau khi nghe Cục trình bày khó khăn về nguồn nhân lực, đại diện công an đề xuất giải pháp để các đăng kiểm viên vi phạm chủ động ra đầu thú, cơ quan công an có thể vẫn khởi tố nhưng không bị tạm giữ mà được tại ngoại để tiếp tục làm việc.
Đề nghị giảm người trong một dây chuyền kiểm định
Theo quy định, từ lúc thông báo tuyển dụng đăng kiểm viên đến khi tổ chức thi tuyển, chấm điểm, công bố sẽ mất hai tháng. Sau đó, nhân sự được đào tạo, thực hành ít nhất một năm mới được thi cấp chứng chỉ đăng kiểm viên thường.
Đăng kiểm viên bậc cao cần ít nhất 3 năm kinh nghiệm kiểm định và phải vượt qua các kỳ sát hạch. Do đó, một đăng kiểm viên phải qua 4-5 năm mới trở thành đăng kiểm viên bậc cao. Tuy nhiên, quy định hiện hành yêu cầu mỗi dây chuyền hoạt động phải có ít nhất một đăng kiểm viên bậc cao chịu trách nhiệm ký duyệt kết quả kiểm định.
Để giải quyết khó khăn về nhân sự đăng kiểm, mới đây Bộ Giao thông Vận tải đã kiến nghị Bộ Nội vụ cho phép ký hợp đồng lao động để giảm thời gian tuyển dụng đăng kiểm viên. Tuy nhiên, theo đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam, đến nay cơ quan có thẩm quyền chưa phản hồi.
Ông Nguyễn Tô An nói, giải pháp cấp bách hiện nay là sửa đổi quy định cho phép hai đăng kiểm viên thực hiện một dây chuyền kiểm định (quy định hiện hành cần ba người) để giảm số lao động. Đồng thời, cơ quan chức năng cần cho phép giảm thời gian tuyển dụng đăng kiểm viên.
Ba tháng qua, công an cả nước liên tiếp điều tra sai phạm trong đăng kiểm. Nhà chức trách đã khám xét hơn 50 trung tâm, khởi tố gần 300 bị can với các tội danh: Nhận hối lộ, Đưa hối lộ, Môi giới hối lộ, Giả mạo trong công tác và Sản xuất, mua bán công cụ, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật. Người có chức vụ cao nhất đến nay bị bắt về hành vi Nhận hối lộ là hai cựu cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam Đặng Việt Hà và Trần Kỳ Hình.