Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa ban hành quy chế tuyển sinh đại học năm 2025. Tuy nhiên, nhiều trường đã có những điều chỉnh ban đầu liên quan đến tổ hợp, phương thức xét tuyển.
Bổ sung tổ hợp xét tuyển mới
Từ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, thí sinh thi hai môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và hai môn lựa chọn trong 9 môn Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Việc lựa chọn môn, trong đó Tin học, Công nghệ lần đầu xuất hiện ở kỳ thi tốt nghiệp, tạo ra 36 tổ hợp có thể dùng để tuyển sinh đại học. Vì vậy, một số trường có điều chỉnh tổ hợp xét tuyển.
Trường Đại học Công thương TP HCM bổ sung 5 tổ hợp mới, trong đó có 4 tổ hợp khối C là C00 (Văn, Sử, Địa), C01 (Văn, Toán, Lý), C02 (Văn, Toán, Hóa), C14 (Toán, Văn, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật), chủ yếu để tuyển sinh các ngành nhóm luật, quản trị kinh doanh, khách sạn.
Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, cho biết thay đổi nhằm tạo điều kiện cho những thí sinh có nền tảng khối C tiếp cận nhiều ngành, nghề của trường; đồng thời giúp trường chọn lọc được sinh viên có năng lực và nền tảng phù hợp với ngành học.
Tổ hợp còn lại là Toán, Tin học và Tiếng Anh, dùng để xét tuyển ngành Công nghệ thông tin, An toàn thông tin và Khoa học dữ liệu. Tổ hợp này lần đầu xuất hiện do lần đầu Tin học được đưa vào kỳ thi.
Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP HCM dùng tổ hợp A01 (Toán, Lý, Tiếng Anh), D01 (Toán, Văn, Tiếng Anh) và hai tổ hợp mới là Toán, Tiếng Anh, Tin học và Toán, Tiếng Anh, Giáo dục kinh tế và pháp luật. So với năm ngoái, hai tổ hợp mới được dùng thay thế hai tổ hợp truyền thống là A00 (Toán, Lý, Hóa) và D07 (Toán, Hóa, Tiếng Anh).
Đại diện nhà trường cho biết điều chỉnh này được đưa ra sau khi xem xét dữ liệu tuyển sinh nhiều năm, cũng như thực tế triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở các trường THPT. Cụ thể, xu hướng thí sinh đăng ký tổ hợp A00 và D07 ngày càng giảm.
Trong khi đó, bốn tổ hợp được trường sử dụng để tuyển sinh năm 2025 đều có Toán và Tiếng Anh - hai môn cho thấy khả năng tư duy, năng lực ngoại ngữ để đáp ứng khả năng học đại học.
Giảm xét tuyển bằng học bạ
Trường Đại học Sư phạm TP HCM dự kiến không dùng điểm học bạ trong các phương thức xét tuyển từ năm 2025.
Ông Nguyễn Ngọc Trung, Phó hiệu trưởng, hồi tháng 10 cho biết những năm trước, điểm học bạ được sử dụng để xét tuyển độc lập (10% chỉ tiêu) hoặc kết hợp với điểm thi đánh giá năng lực (30-40% chỉ tiêu).
Tuy nhiên từ năm 2025, trường dự kiến bỏ sử dụng kết quả học bạ bởi lứa thí sinh năm tới học theo chương trình mới, mỗi em lựa chọn và có điểm học bạ ở những tổ hợp khác nhau.
Trường Đại học Công thương TP HCM dự kiến dành 15-20% chỉ tiêu để xét điểm học bạ, giảm 10% so với năm nay. Ngoài lý do học sinh học theo chương trình mới, nhà trường cũng lo lắng việc đánh giá, cho điểm học bạ của các trường phổ thông không đồng đều.
Đại học Quốc gia TP HCM bỏ ưu tiên xét tuyển và các phương thức riêng của 8 trường thành viên, thống nhất ba cách tuyển sinh từ năm 2025, gồm: xét tuyển thẳng, xét điểm thi đánh giá năng lực do đại học này tổ chức; dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT. Các trường thành viên được khuyến khích xét tuyển kết hợp.
Như vậy, dự kiến các trường thành viên như trường Đại học Quốc tế, Đại học An Giang không còn phương thức xét học bạ độc lập như năm 2024 trở về trước.
Các đại học top đầu như Đại học Kinh tế quốc dân, Y Hà Nội, Y Dược TP HCM, Bách khoa Hà Nội vẫn không xét tuyển học bạ độc lập.
Thêm phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực
Trường Đại học FPT công bố năm tới duy trì ba phương thức xét tuyển gồm: xét kết quả xếp hạng học sinh THPT, dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển thẳng. Ngoài ra, trường thêm phương thức xét dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và TP HCM.
Đại học Công nghệ TP HCM dự kiến bổ sung phương thức xét điểm thi đánh giá đầu vào đại học V-SAT để xét tuyển, bên cạnh xét học bạ lớp 12, điểm thi tốt nghiệp và điểm thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức.
Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết 22 đại học dùng điểm thi đánh giá năng lực - SPT do trường tổ chức để tuyển sinh đầu vào năm tới, tăng 13 trường so với năm ngoái.
Trong đó, 9 trường đã sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực SPT từ năm ngoái gồm Đại học Sư phạm Hà Nội, Sư phạm Hà Nội 2, Sư phạm TP HCM, các trường Sư phạm thuộc Đại học Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng, Đại học Quy Nhơn, Vinh và Đại học Y Dược Thái Bình.
13 trường mới trong danh sách là Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh, Xây dựng Hà Nội, Quản lý giáo dục, Thủ đô Hà Nội, Tây Bắc, Hải Phòng, Hạ Long, Hoa Lư, Hồng Đức, Tây Nguyên, Thủ Dầu Một, cùng Học viện Quản lý giáo dục và Học viện Phụ nữ Việt Nam.
Các kỳ thi đánh giá năng lực của hai Đại học Quốc gia dự kiến vẫn có khoảng 100 trường sử dụng kết quả để xét tuyển, kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến gần 40 trường.
Hiện, các trường đại học chưa công bố chi tiết thời gian, các điều kiện, chỉ tiêu ở từng phương thức xét tuyển do đợi quy chế tuyển sinh mới từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó chắc chắn có những thay đổi liên quan đến xét tuyển sớm. Quy chế này sẽ được ban hành sau ngày 22/1/2025.
Dương Tâm