Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên
Trong 7 ngành đào tạo, Răng - Hàm - Mặt có điểm chuẩn học bạ cao nhất - 29,72. Hai ngành khác cũng có điểm trúng tuyển trên 29 là Y khoa (29,71) và Dược học (29,47). Các ngành còn lại lấy 27-28 điểm, thấp nhất là Hộ sinh 24,81.
Trước đó, trong đề án tuyển sinh đại học 2021, Đại học Y - Dược tuyển 1.195 sinh viên chính quy. Trường quy định điểm xét tuyển theo phương thức xét học bạ là tổng điểm trung bình 6 kỳ bậc THPT của các môn trong tổ hợp cùng điểm ưu tiên (theo đối tượng, khu vực và quy định riêng của trường).
Học sinh sẽ được cộng 0,5-4 điểm nếu đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia hoặc sở hữu chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Trường hợp đạt nhiều thành tích, các em chỉ được cộng một mức cao nhất.
Đại học Giao thông Vận tải
Kỹ thuật cơ điện tử (chương trình đại trà) lấy điểm chuẩn 27,27 - cao nhất trong 29 ngành đào tạo. So với điểm chuẩn học bạ năm ngoái, ngành này tăng gần 1,5 điểm.
Kế đó, Công nghệ thông tin (chương trình chất lượng cao) lấy 27,23 điểm, Quản trị kinh doanh 27. Các ngành còn lại phổ biến 21-24, riêng một số ngành lấy 18 gồm Kỹ thuật môi trường, Kỹ thuật cơ khí động lực, Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông (cả đại trà và chất lượng cao), Kỹ thuật xây dựng công trình thủy.
Năm nay, Đại học Giao thông Vận tải tuyển 4.200 và 1.500 sinh viên cho hai cơ sở Hà Nội và TP HCM. Chỉ tiêu dành cho phương thức xét học bạ khoảng 25% ở mỗi trường. Điểm xét tuyển theo phương thức này là tổng trung bình bậc THPT của ba môn trong tổ hợp xét tuyển và điểm ưu tiên (khu vực, đối tượng).
Điểm chuẩn học bạ năm ngoái của trường dao động 18-26,65, cao nhất là ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng.
Đại học Kiến trúc Hà Nội
Ngày 16/7, Đại học Kiến trúc Hà Nội công bố điểm trúng tuyển với phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT. Theo đó, 7 trên 8 ngành lấy điểm 18-19, duy nhất Quản lý dự án xây dựng có điểm chuẩn 21.
Năm 2021, Đại học Kiến trúc Hà Nội tuyển 2.180 sinh viên, giữ ổn định bốn phương thức tuyển sinh của năm trước, gồm: Tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT (áp dụng với ngành không thi năng khiếu), xét học bạ, thi tuyển kết hợp với thi năng khiếu.
Nếu xét học bạ, thí sinh phải đạt tổng điểm trung bình 5 kỳ (trừ kỳ II lớp 12) của ba môn trong tổ hợp xét tuyển từ 18 trở lên, trong đó điểm mỗi môn trong ba kỳ cuối không dưới 5.
Đại học Mỏ - Địa chất
Trong khi đa số ngành lấy điểm chuẩn học bạ 18, Công nghệ thông tin cao vượt trội với mức 25,3, riêng môn Toán yêu cầu từ 8,3 trở lên, kế đó Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa 24,26 và một số ngành khác mức 22.
Năm nay, Đại học Mỏ - Địa chất tuyển 2.225 sinh viên theo 5 phương thức, riêng xét học bạ chiếm khoảng 6-10% chỉ tiêu. Trường chỉ xét tuyển với những học sinh đạt hạnh kiểm khá trở lên, điểm xét tuyển là tổng trung bình năm lớp 11 và học kỳ I lớp 12 của ba môn trong tổ hợp, yêu cầu không dưới 18.
Đại học Điện lực
Từ cuối tháng 6, Đại học Điện lực cũng đã công bố điểm chuẩn theo phương thức xét học bạ (gọi là điểm trúng sơ tuyển). Thí sinh sẽ được công nhận chính thức trúng tuyển khi tốt nghiệp THPT.
Theo đó, mức điểm chuẩn phổ biến từ 18 đến 20, riêng Công nghệ thông tin vượt trội - 22. Đây là ngành luôn có điểm chuẩn tương đối cao ở nhiều trường đào tạo kỹ thuật.
Năm nay, Đại học Điện lực tuyển 3.640 sinh viên, trong đó dành 1.395 chỉ tiêu cho phương thức xét học bạ. Điểm xét tuyển là tổng điểm trung bình ba môn trong tổ hợp của ba năm THPT (không môn nào dưới 6) và điểm ưu tiên.
Thanh Hằng