Triển lãm du học Mỹ tại Hà Nội hôm 2/10 với sự tham gia của 60 đại học, thu hút khoảng 1.400 người. Phần lớn trường cho biết chính sách tuyển sinh năm nay không thay đổi, quy trình thậm chí còn đơn giản hơn.
Thông thường, học sinh ứng tuyển đại học Mỹ thường chuẩn bị bảng điểm (điểm học bạ, bài thi chuẩn hóa), bài luận, hoạt động ngoại khóa, thư giới thiệu... Song, tại triển lãm, nhiều trường cho hay chỉ quan tâm điểm số.
Lý giải, ông Lê Bình, phụ trách tuyển sinh quốc tế của Đại học Nam Florida (USF), top 91 ở Mỹ theo US News, cho biết trường này thiên về nghiên cứu. USF thậm chí không yêu cầu điểm IELTS hoặc bài luận, mà chỉ dựa vào điểm học bạ (GPA) và điểm SAT/ACT (bài thi chuẩn hóa quốc tế) để xét học bổng. Năm ngoái, điểm SAT trung bình vào trường là 1250/1600, GPA tương đương 9,2/10 theo thang điểm Việt Nam.
Hiện USF có khoảng 500 sinh viên người Việt. Học phí của trường với du học sinh là hơn 17.000 USD một năm.
Đại học Nebraska-Lincoln (UNL), Tây Kentucky và Kentucky... cũng tương tự. Trong đó, UNL đánh giá hồ sơ ứng viên qua bảng điểm và chứng chỉ ngoại ngữ, ứng viên cần đạt IELTS từ 6.0 hoặc TOEFL 70 điểm trở lên.
"Đó là tiêu chí đầu tiên để có được thư mời", ông N. Grant Hunter, Phó giám đốc tuyển sinh quốc tế của UNL - trường top 152 ở Mỹ, nói. Những hồ sơ có điểm GPA tối thiểu 2.5/4 sẽ được xét học bổng, từ 4.000 đến 15.000 USD một năm. Lúc này, hoạt động ngoại khóa sẽ giúp ứng viên có điểm nhấn trong hồ sơ.
Đại học Tây Kentucky cũng yêu cầu GPA 2.5/4, IELTS 6.0, TOEFL 71 hoặc Duolingo 100 cho đầu vào. Học sinh Việt Nam có GPA từ 3.0 trở lên có thể giành được học bổng 3.000-9.5000 USD một năm.
"Hoạt động ngoại khóa cũng quan trọng nhưng chúng tôi muốn học sinh có điểm số tốt hơn", đại diện Đại học Carnegie Mellon (top 21 ở Mỹ) cho hay.
Mặc dù đưa hoạt động ngoại khóa vào tiêu chí đánh giá song bà Vivian Võ, đại diện tuyển sinh của UC Riverside (top 76), thuộc hệ thống UC (University of California) gồm các trường nghiên cứu công lập hàng đầu Mỹ, cho biết không bắt buộc. Trường cũng bỏ xét điểm SAT, kể từ đại dịch Covid-19 đến nay.
"Học bổng được xét dựa chủ yếu vào GPA (tối thiểu 3.4). Hoạt động ngoại khóa chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong hồ sơ", bà nói. UC Riverside đánh giá hoạt động ngoại khóa theo ba tiêu chí: tính liên tục, khả năng lãnh đạo và sự thăng tiến. Những hoạt động liên quan tới ngành dự định học cũng tốt vì cho thấy sự chuẩn bị của ứng viên.
Bà Vivian nhìn nhận tiêu chí về hoạt động ngoại khóa thường tùy từng trường, thường các đại học thuộc Ivy League hoặc top đầu sẽ quan tâm tới yếu tố này hơn.
Theo bà Đinh Mỹ Phương, đại diện tuyển sinh Đại học Rochester (top 44), các hoạt động ngoại khóa nếu có nên tập trung vào chất lượng thay vì số lượng.
"Tôi không khuyến khích học sinh tham gia 10-15 chương trình. Ít nhưng chất lượng, thể hiện sự cam kết, tâm huyết sẽ được đánh giá cao hơn", bà Phương nhận định.
Triển lãm du học Mỹ là sự kiện thường niên của Cơ quan Giáo dục, thuộc Đại sứ quán Mỹ. Đây là một trong 5 điểm đến du học người Việt chuộng nhất.
Theo Cơ quan Thực thi di trú và hải quan Mỹ (ICE), trước khi dịch Covid-19 bùng phát, số du học sinh Việt tại đây lên tới hơn 37.200 người, đến cuối năm ngoái là khoảng 31.300. Sinh viên người Việt đóng gần 1 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ.
Báo cáo của Viện Giáo dục quốc tế Mỹ mới đây cho biết lượng hồ sơ ứng tuyển vào các đại học Mỹ của người Việt năm học 2024-2025 tăng 38% so với năm học trước.
Bình Minh