Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp lấy điểm chuẩn 15-19,5 theo điểm thi tốt nghiệp THPT 2020. Tại cơ sở Hà Nội, các ngành thuộc nhóm Công nghệ thông tin có điểm chuẩn cao nhất, kế đó là Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử, Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa 18,5. Các ngành còn lại của cơ sở Hà Nội và Nam Định hầu hết 15-17.
Trường tuyển 4.888 chỉ tiêu cho 16 ngành tại hai cơ sở, trong đó Hà Nội 3.422. Năm ngoái, điểm trúng tuyển vào cơ sở Hà Nội từ 15 đến 18,5, cao nhất là Công nghệ thông tin. Đầu vào của cơ sở Nam Định thấp hơn, dao động 14-15,5.
Với Đại học Lao động - Xã hội, điểm chuẩn dao động 14-21. Cơ sở tại TP HCM có điểm cao hơn, ngành Quản trị nhân lực 21, cao nhất trong các ngành đào tạo, kế đó Quản trị kinh doanh 20,5. Đây cũng là hai ngành có điểm chuẩn trên 20. Cơ sở Hà Nội có điểm chuẩn thấp, chỉ 14-15, trong đó Bảo hiểm thấp nhất.
Trường tuyển 3.750 sinh viên, trong đó Hà Nội 2.750, theo ba phương thức tuyển thẳng, xét học bạ và căn cứ điểm thi tốt nghiệp THPT. Điểm chuẩn năm ngoái của trường 14-16.
Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên lấy điểm chuẩn 15,5-18,5 cho 22 ngành đào tạo. Trừ Sư phạm công nghệ, Sư phạm Tiếng Anh có ngưỡng trúng tuyển trên 18, còn lại 15,5-16.
Năm nay, trường tuyển 2.860 sinh viên theo ba phương thức gồm tuyển thẳng, xét học bạ và dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT. Điểm chuẩn năm ngoái là 14-18.
Cùng ngày, Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh (Hưng Yên) quyết định lấy 14 là điểm trúng tuyển cho tất cả 7 chuyên ngành của trường gồm: Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Kinh doanh quốc tế, Tài chính - Ngân hàng, Kế toán, Kiểm toán, Hệ thống thông tin quản lý.
Chỉ tiêu của trường là 800, trong đó dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT lấy 400 em, còn lại tuyển thẳng và xét học bạ. Năm ngoái, điểm chuẩn của trường cũng là 14 cho mọi ngành.
>>Xem điểm chuẩn các trường khác.
Thanh Hằng