Tại hội thảo về quản lý hoạt động chuyển giá ở Hà Nội ngày 11/12, ông Nguyễn Quang Tiến - Vụ trưởng, Phó trưởng ban cải cách Tổng cục thuế - thừa nhận phạm vi và mức độ chuyển giá ở Việt Nam hiện nay rất phổ biến. "Rất nhiều doanh nghiệp đã vào tầm ngắm của chúng tôi nhưng chưa thể công bố vì tính bảo mật", ông Tiến cho biết. Hoạt động chuyển giá thường xảy ra ở các tập đoàn đa quốc gia có mạng lưới công ty con đặt ở nhiều nước khác nhau. Ở những thị trường đánh thuế cao, công ty con có xu hướng khai chi phí, giá cao hơn nhằm làm giảm lợi nhuận và ngược lại.
Ông Nguyễn Quang Tiến thừa nhận có dấu hiệu chuyển giá tại nhiều công ty, tập đoàn đa quốc gia hoạt động ở Việt Nam. Ảnh: T.L. |
Riêng về trường hợp của Coca Cola, gần đây dư luận xuất hiện thông tin về việc công ty này có dấu hiệu chuyển giá để trốn thuế. Vào Việt Nam từ năm 1993, Coca Cola liên tục mở rộng đầu tư sản xuất, doanh thu luôn tăng trưởng mạnh nhưng cơ quan thuế cho biết chưa thu được đồng thuế nào từ công ty này. Trước việc Coca Cola liên tục báo lỗ qua các năm, đại diện Tổng cục thuế cũng cho biết đã xác định có dấu hiệu chuyển giá tại đây. Ông Nguyễn Quang Tiến đính chính lại thông tin rằng, cơ quan thuế chưa tiến hành thanh tra với Coca Cola chứ không phải "bó tay" với các dấu hiệu của đơn vị này.
Coca Cola mới một lần bị thanh tra thuế vào năm 2006. Tuy nhiên, theo ông Tiến, khi đó cơ quan thuế TP HCM mới thanh tra về doanh thu, hóa đơn chứng từ mà chưa thanh tra về giá chuyển nhượng.
Ông Tiến khẳng định không có chuyện bất lực trước các công ty này. Vị này nói thêm, không riêng gì Coca Cola, một số công ty cùng lĩnh vực sản xuất nước giải khát khác như Pepsi hay trường hợp của Metro cũng đều đang trong tầm ngắm của cơ quan thuế.
"Tổng cục đã phát hiện, nhìn thấy những trường hợp này nhưng trong nguồn lực của mình chưa thể tiến hành ngay. Một cuộc thanh tra giá chuyển nhượng nhiều khi phải xác định có thể mất 1, 2 năm thậm chí như ở Australia còn lâu hơn. Họ theo đuổi một vụ tới 13 năm mà vẫn chưa thành công", ông Tiến nói về những khó khăn của cơ quan thuế.
Phó Vụ trưởng cũng tiết lộ câu chuyện khai báo lỗ triền miên và có dấu hiệu chuyển giá khác của một doanh nghiệp FDI đến từ Đài Loan. "Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giày da, doanh thu 22.000 tỷ, sử dụng 80.000 lao động Việt Nam, có lúc cao điểm sử dụng tới 100.000 lao động nhưng chúng tôi vẫn chưa thu được đồng thuế nào từ cơ quan này", ông Nguyễn Quang Tiến tâm sự.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Quang Tiến cũng thừa nhận, không loại trừ khả năng có sự tiếp tay của các cơ quan kiểm toán trong việc tư vấn cách chuyển giá, trốn thuế cho doanh nghiệp. Ông Tiến cho hay, sắp tới cơ quan thuế sẽ siết chặt việc này hơn và yêu cầu đơn vị kiểm toán phải chịu trách nhiệm rõ ràng hơn nữa nếu để xảy ra sai phạm.
Tại cuộc hội thảo này, ông Michael Palmer, chuyên gia về chuyển giá tại Australia cho biết, tại nước ông và trên thế giới, các công ty, tập đoàn đa quốc gia đang có sự tham gia của những chuyên gia hàng đầu về giá chuyển nhượng từ khắp nơi trên thế giới để tư vấn, lên kế sách nhằm giảm thiều tiền thuế cho doanh nghiệp.
Thanh Thanh Lan