Theo tờ trình của Chính phủ, để thực hiện cam kết hội nhập, từ năm 2003 Việt Nam bãi bỏ việc cấp phép nhập khẩu và cắt giảm thuế nhập khẩu đối với mặt hàng này (hiện là 100% với xe nguyên chiếc, trung bình 40% với linh kiện). Vì vậy cần bổ sung xe máy vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thay thuế nhập khẩu đảm bảo ổn định thu ngân sách. Ngoài ra Chính phủ đã có quy hoạch giao thông, yêu cầu giữ mức 13 triệu xe máy lưu hành trên toàn quốc để hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, khi thẩm tra dự luật này, Ủy ban Kinh tế ngân sách của Quốc hội cho rằng cần cân nhắc kỹ. Bởi trong nhiều năm tới, xe máy là phương tiện giao thông, công cụ làm ăn quan trọng ở nông thôn, miền núi và các đô thị nhỏ. Nếu đưa mặt hàng này vào đối tượng chịu thuế TTĐB, sắp xếp lại các khâu chịu thuế VAT sẽ đẩy giá xe máy lên cao, ảnh hưởng lớn đến người lao động có thu nhập thấp, chủ yếu là nông dân. Điều này cũng tác động xấu tới hơn mười doanh nghiệp đang hoạt động lắp ráp, sản xuất xe máy trong nước.
Đại biểu Lý Khai Phâu nói: “Các nước họ nhiều xe hơn, có ùn tắc đâu. Chẳng qua là do đường xá, cầu cống của mình kém quá, và ý thức chấp hành luật lệ giao thông của dân cũng thấp. Để giải quyết các vấn nạn giao thông thì có thể áp dụng các biện pháp hành chính mạnh, có hiệu quả mà Hà Nội, TP HCM đang làm”. Đồng tình với ông Phâu, đại biểu Huỳnh Thị Hường cũng cho rằng không nên bổ sung thuế vào xe máy. “Chính phủ chưa công bố việc tăng giảm thuế xe máy mà cử tri đã phản đối rất nhiều. Nếu vì mục đích đảm bảo thu ngân sách thì có thể tăng thuế TTĐB với nhiều ngành hàng khác như vũ trường, casino, bia rượu..., chắc chắn được dân ủng hộ”.
Giải tỏa những băn khoăn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng cho biết ban soạn thảo đã mở rộng khung thuế TTĐB áp dụng với xe máy là 20-50% theo hướng thuế suất cao cho xe đắt tiền, thuế suất thấp cho xe rẻ tiền (dự thảo trước chỉ một mức 30%). “Sẽ điều tiết vào từng đối tượng sử dụng. Xe sản xuất trong nước trước 5 triệu đồng/chiếc, nay vì thuế có tăng thành 6 triệu đồng, nông dân vẫn mua được. Còn ở thành thị, nhà giàu thích xe xịn, trước 4.000 USD/chiếc thì nay sẽ chịu thuế TTĐB mức cao, phải mua giá 6.000 USD. Như vậy sẽ công bằng cho cả nông thôn và thành thị”, ông Hùng nói.
Cũng trong sáng nay, các đại biểu có ý kiến về dự án sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng. Chính phủ đề xuất bỏ mức thuế suất 20% để thu gọn 4 mức trước đây thành 3 mức 0%, 5% và 10%. Tất cả các mặt hàng trong nhóm chịu thuế VAT 20% trước đây được đưa vào nhóm 10%, đồng thời đưa một số hàng hóa dịch vụ từ nhóm thuế suất 5% lên 10%. Đại biểu chuyên trách nhìn chung đồng tình với những điều chỉnh này, nhưng còn băn khoăn về việc có nên giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung danh mục hàng hóa chịu thuế và không chịu thuế. Theo lý giải của ban soạn thảo và cũng được cơ quan thẩm tra là Ủy ban Kinh tế ngân sách của Quốc hội đồng tình, VAT là loại thuế mới, nên phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Kinh tế đang chuyển đổi nên có biến động khó lường, cần điều chỉnh kịp thời nên không thể trông chờ vào 2 kỳ họp của Quốc hội mỗi năm, mà cần giao Ủy ban Thường vụ quyết định rồi sau đó báo cáo Quốc hội.
Nghĩa Nhân