Trao đổi với VnExpress, đại biểu Nguyễn Khắc Lợi, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch nhận xét, theo khía cạnh văn hóa thì quận mới nên lấy tên mới sẽ có giá trị ngôn ngữ và Mỹ Đình là cái tên đáng lưu tâm vì gắn với nhiều công trình lớn trên địa bàn huyện Từ Liêm. Mỗi tên đều có mặt tích cực và hạn chế nên cần phải xem xét thấu đáo, lấy ý kiến người dân. Với tên hai quận là Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm thì hàm ý phương hướng hơn là tên địa danh.
"Người dân có thể tự hào về tên cũ, song nếu giữ lại tên như vậy thì tôi nghĩ là nên đảo là Từ Liêm Bắc và Từ Liêm Nam để hàm ý mang tên địa danh hơn cũng như những cái tên Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam", ông Lợi nói.
Đại biểu Nguyễn Quốc Cường nhận xét: “Việc giữ lại chữ Từ Liêm rất nên làm cho một quận phía Bắc huyện hiện nay vì nơi khởi nguồn là ở Chèm. Còn ở phía Nam nên chọn cái tên khác nhiều ý nghĩa hơn. Việc lựa chọn Tây Thăng Long phải cân nhắc, vì Thăng Long là tên cố đô xưa. Mỹ Đình cũng là lựa chọn tương đối tốt. Còn có ý kiến cho rằng Mỹ Đình chỉ là tên thôn xã thì phải xem xét lại vì nhiều tỉnh, thành phố cũng lấy tên một địa danh nổi tiếng”.
“Tôi ủng hộ hai tên quận mới là Từ Liêm cho phần phía bắc và Mỹ Đình cho phần phía nam”, đại biểu Nguyễn Thị Quỳnh Anh nói.
Nhiều đại biểu HĐND ở các quận, huyện khác bày tỏ sự ủng hộ phương án hai tên quận là Mỹ Đình và Từ Liêm. Theo Phó bí thư quận ủy Thanh Xuân Vũ Cao Minh, ngoài tên Từ Liêm không có gì phải bàn thì tên quận Mỹ Đình có nhiều sức gợi. “Đây là một cái tên đẹp, có hai âm tiết nên rất phù hợp với các đặt tên của người miền Bắc. Hơn nữa, kể cả những người chưa từng ra Hà Nội thì nhắc đến Mỹ Đình người ta cũng sẽ hình dung ra ngay nó nằm ở đâu”, ông Minh chia sẻ.
Đại diện Ban Văn hóa, xã hội của HĐND thì cho rằng, việc đặt tên một địa phương mới có quy trình chặt chẽ và phải được toàn bộ HĐND ở các xã bàn bạc, thống nhất. Trước đây, khi Hà Nội lập quận Long Biên cũng đã có nhiều ý kiến trái chiều.
Tuy nhiên, vị này cũng bày tỏ sự đồng tình với phương án như ý kiến các đại biểu trên và cho rằng cách đặt tên Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm phù hợp hơn với văn hóa của khu vực Nam Bộ. “Theo tôi, Mỹ Đình đủ tầm vóc và xứng đáng để đặt tên cho một quận mới”, đại biểu này nói.
Đồng quan điểm, ông Hồ Quang Lợi, Trưởng ban Tuyên giáo, Thành ủy Hà Nội, nhận định, việc đặt tên hai quận mới không chỉ có ý nghĩa đối với người dân sở tại mà là vấn đề quan trọng của thủ đô, nên tên gọi của các quận không thể có ý nghĩa cục bộ địa phương mà phải mang tầm thành phố, hài hòa trong tổng thể chung.
"Tên gọi các quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm mới chỉ là đề xuất của huyện Từ Liêm đưa ra, chưa được HĐND thành phố thông qua", ông Lợi nói.
Ông Phan Đăng Long, Phó Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội: Hầu hết người dân địa phương đồng tình giữ lại tên Từ Liêm. Có nhiều phương án đặt tên cho quận mới, có người nói rằng đặt Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm hay Mỹ Đình, song theo ghi nhận của huyện Từ Liêm, hầu hết người dân được lấy ý kiến đều đồng tình với giữ lại tên Từ Liêm, thể hiện truyền thống tốt đẹp gắn bó với quê hương. Theo tờ trình của huyện Từ Liêm sẽ lấy trục đường 32 chia làm 2 phía Bắc và Nam, đây là ý chí, nguyện vọng của người dân. Trước đây, các quận thành lập mới như Hoàng Mai, Tây Hồ có dân số được ghép các quận khác vào, lần này là lấy trọn vẹn đất của Từ Liêm nên người dân ở đây không muốn thay đổi tên. Thứ 6 tới đây, HĐND thành phố sẽ bàn thảo về đề án điều chỉnh địa giới hành chính quận Từ Liêm do UBND Hà Nội đệ trình. |
Đoàn Loan - Nguyễn Hưng