Ông Nguyễn Văn Việt. Ảnh: Đoàn Loan. |
Chiều 2/10, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Việt, Trưởng ban Tuyên giáo huyện Từ Liêm cho biết, đề án lập quận đã được huyện này đưa ra từ năm 2006, trong đó đưa ra 3 phương án đặt tên là quận Từ Liêm và quận Mỹ Đình; quận Từ Liêm và Tây Thăng Long; quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm.
Theo ông Việt, nguồn gốc tên Từ Liêm là từ Chèm, Vẽ nên để khu vực phía bắc của huyện này mang tên Từ Liêm là hợp lý. Tuy nhiên, khi đưa ra ý kiến đặt phía nam của huyện là Mỹ Đình vì đã có Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình, sân vận động Mỹ Đình, nghĩa là lấy tên một xã đặt cho quận thì các xã khác không đồng tình, do vậy, phương án này đã không được đưa vào phương án chính.
"Cũng có ý kiến trên địa bàn huyện có đại lộ Thăng Long nên đặt tên Tây Thăng Long song dư luận cũng cho rằng không thỏa đáng, vì Thăng Long là tên cố đô, đặt tên quận là không xứng tầm", Trưởng ban Tuyên giáo huyện nói.
Cho rằng huyện Từ Liêm sau nhiều lần thay đổi địa giới đã để lại nhiều ấn tượng trong các thế hệ, ông Việt nhấn mạnh: "Chúng tôi quyết định lấy ranh giới đường 32 để chia thành Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm để nhân dân khu vực này đều được hưởng thành quả của Từ Liêm trong nhiều năm đổi mới", ông Việt bày tỏ.
Trả lời VnExpress về kết quả 72% ý kiến độc giả của báo không đồng ý với tên quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm, ông Việt nói: "72% ý kiến không đồng ý là việc của các đồng chí, chúng tôi vẫn đang triển khai lấy ý kiến của nhân dân địa phương qua các các thôn, tổ dân phố".
Ông Trưởng ban Tuyên giáo huyện cũng cho rằng, dựa vào kết quả lấy ý kiến người dân trên địa bàn, nếu tỷ lệ lớn không đồng tình với tên gọi "Bắc Từ Liêm - Nam Từ Liêm" thì quận sẽ chọn lựa tên được nhiều người dân gợi ý nhất để đưa vào đề án. Còn việc quyết định tên gọi thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Lãnh đạo Ban tuyên giáo Từ Liêm cũng cho biết, khi điều chỉnh một huyện thành hai quận thì việc điều động, bố trí cán bộ, biên chế của hai quận đương nhiên sẽ tăng. Theo quy định của pháp luật, huyện Từ Liêm sẽ trình các cấp có thẩm quyền để đảm bảo bộ máy phục vụ tốt nhân dân. Cơ quan này đề xuất quý 3/2014 bắt đầu điều chỉnh địa giới hành chính.
Theo đề án điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm, quận Bắc Từ Liêm có dân số 319.000 người, diện tích 4.335 ha, mật độ 7.377 người/km2. Trụ sở dự kiến đặt tại khu đất nông nghiệp 20ha ở xã Minh Khai. Còn quận Nam Từ Liêm có dân số 233.000 người, diện tích 3.227 ha, mật độ 7.234 người/km2. Trụ sở sử dụng toàn bộ khu liên cơ quan của huyện Từ Liêm hiện nay với diện tích 4ha. Cuối tháng 11 vừa qua, khi Chính phủ đồng ý với chủ trương điều chỉnh địa giới huyện Từ Liêm, Hà Nội mới yêu cầu Từ Liêm khẩn trương hoàn thành đề án và lấy ý kiến người dân về việc đặt tên. Tuy nhiên, tại các buổi họp dân phố, huyện Từ Liêm đưa ra duy nhất phương án tên quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm để người dân cho ý kiến đồng ý hoặc không đồng ý, mà không có lựa chọn nào khác. |
Đoàn Loan