Hãng chế tạo robot công nghiệp Đức, Hahn Automation, dự định đầu tư hàng tỷ euro cho các nhà máy mới tại Trung Quốc trong vòng ba năm tới, nhằm tận dụng nền kinh tế đang hồi phục nhanh hơn các nước khác sau đại dịch Covid-19.
"Nếu muốn phát triển cùng thị trường Trung Quốc, chúng tôi phải sản xuất ngay tại chỗ. Mục tiêu là 25% doanh số bán hàng đến từ Trung Quốc vào năm 2025, so với khoảng 10% hiện nay", Giám đốc điều hành Hahn Automation Frank Konrad cho hay.
![Công nhân làm việc tại nhà máy Hahn Automation ở Đức. Ảnh: Reuters.](https://vcdn1-sohoa.vnecdn.net/2020/11/20/Duc-2-5862-1605834466.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ejS7avRQRi05k2FkQRg27Q)
Công nhân làm việc tại nhà máy Hahn Automation ở Đức. Ảnh: Reuters.
Sự phục hồi của Trung Quốc là tin tốt với các công ty như Hahn, nhưng lại gây khó khăn cho các nỗ lực đa dạng hóa quan hệ thương mại và giảm sự phụ thuộc vào Bắc Kinh đang được chính quyền Thủ tướng Đức Angela Merkel thực thi.
Bất chấp lo ngại của chính quyền Đức, ngành công nghiệp nước này đang thắt chặt quan hệ với Trung Quốc, quốc gia áp dụng nhiều biện pháp phong tỏa chặt chẽ nhằm đối phó đại dịch và cho phép họ trở lại bình thường sớm hơn nhiều nước trên thế giới.
Olaf Kiesewetter, CEO hãng cung cấp cảm biến ôtô UST, cũng đặt mục tiêu 25% doanh số tại Trung Quốc. Nước này đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của UST ngoài Liên minh châu Âu (EU), chiếm khoảng 15% doanh số hiện nay.
"Chúng tôi nhận thấy rõ ràng Trung Quốc đang thoát khỏi khủng hoảng một cách mạnh mẽ. Tình hình kinh doanh quý III của chúng tôi sẽ không thể tốt đẹp nếu thiếu Trung Quốc. Không còn nghi ngờ gì về việc chúng tôi đang ổn định nhờ Trung Quốc", Kiesewetter nói.
Sự chuyển dịch và tăng cường phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc đi ngược lại nỗ lực đa dạng hóa của chính phủ Đức, vốn bắt đầu từ khi Trung Quốc kiểm soát công ty robot Kuka hồi năm 2016, bước đi được nhiều quan chức Đức mô tả là hồi chuông cảnh tỉnh cho thấy Bắc Kinh là đối thủ cạnh tranh đáng gờm.
Trung Quốc trỗi dậy mạnh hơn
Hai nước ngày càng kết nối trong nhiều mặt. Trung Quốc vượt Pháp và tiến gần đến Mỹ trong danh sách những thị trường xuất khẩu hàng đầu của Đức tính theo giá trị trong 9 tháng đầu năm 2020. Một quan chức Đức cấp cao cho rằng xu hướng hiện nay có thể giúp Trung Quốc vượt Mỹ trong ba tháng cuối năm.
Trung Quốc chiếm 8% giá trị xuất khẩu của Đức trong giai đoạn tháng 1-9, so với 7% năm ngoái. Trung Quốc cũng là nhà cung ứng hàng đầu, chiếm 11% sản lượng nhập khẩu của Đức trong năm nay, so với mức dưới 10% trước đó.
Trong ngắn hạn, Trung Quốc đang có thế mạnh vượt trội so với nhiều nước phương Tây.
Đức đang hứng chịu làn sóng Covid-19 thứ hai và nền kinh tế được dự đoán sẽ suy giảm 6% trong năm nay, trong khi Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất tăng trưởng với mức ước tính 1,9%. Đức được kỳ vọng sẽ hồi phục trong năm 2021, nhưng mức dự báo 4,2% vẫn thấp hơn ước tính 5,2% toàn cầu và kém xa mức 8,2% của Trung Quốc, theo nhận định của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Sự phụ thuộc là con dao hai lưỡi
Nhu cầu tại Trung Quốc có thể giúp các doanh nghiệp châu Âu vượt qua đại dịch, nhưng họ vẫn phải đối mặt với những rào cản mà giới chức Đức nói rằng mang lại cho Trung Quốc những lợi thế không công bằng, trong đó Bắc Kinh áp dụng mô hình kết hợp giữa nền kinh tế do nhà nước quản lý với hoạt động trong lĩnh vực tư nhân.
![Robot trong dây chuyền chế tạo của Hahn Automation ở Đức. Ảnh: Reuters.](https://vcdn1-sohoa.vnecdn.net/2020/11/20/duc-1-3196-1605834466.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=4CTEUyAdgMG5Ymnzp7vlJg)
Robot trong dây chuyền chế tạo của Hahn Automation ở Đức. Ảnh: Reuters.
Hahn Automation đang đối mặt nhiều cản trở với các cỗ máy mang nhãn hiệu "Sản xuất tại Đức" trong bối cảnh Trung Quốc coi robot công nghiệp là một trong những lĩnh vực đặc biệt ưu tiên trong chiến lược "Sản xuất tại Trung Quốc 2025".
"Trung Quốc muốn mang phần lớn giá trị gia tăng trong lĩnh vực tự động hóa và robot công nghiệp vào lãnh thổ của hộ", CEO Konrad nói, thêm rằng Hahn Automation không còn lựa chọn nào ngoài chuyển dịch một phần dây chuyền sản xuất tới Trung Quốc.
"Không thể phớt lờ Trung Quốc bởi thị trường và cơ hội phát triển quá lớn. Nhưng phần lớn doanh nghiệp Đức thừa hiểu rằng không nên bỏ hết trứng vào một giỏ", Mair nói.
Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Trung Quốc không bình luận.
"Nhiều công ty Đức đang tìm đến các phương án thay thế như Việt Nam và Indonesia nhằm mở rộng lựa chọn sản xuất ở châu Á. Tuy nhiên, sẽ cần 3 - 5 năm trước khi kết luận họ có thành công trong nỗ lực giảm phụ thuộc vào Trung Quốc hay không", Friedolin Strack, người đứng đầu bộ phận thương mại quốc tế của BDI, cho hay.
Điệp Anh (theo Reuters)