Sách Đại Nam thực lục ghi chép, sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, thống nhất đất nước năm 1802, vua Gia Long nghĩ ngay đến việc xây dựng kinh thành, đặt nền móng lâu dài cho vương triều Nguyễn. Thay vì chọn thành Gia Định do mình xây dựng, vua Gia Long chọn vùng đất Phú Xuân, nơi xưa kia chúa Nguyễn lập phủ để xây dựng kinh thành. Thấy thế đất Phú Xuân nhỏ hẹp chưa tương xứng với đô thành của vương triều rộng lớn trải dài từ Nam vào Bắc, vua Gia Long đã lên kế hoạch mở rộng.
Năm 1803, vua sai giám thành là Nguyễn Văn Yến ra bốn mặt ngoài đô thành cũ Phú Xuân đo cắm để mở rộng. Vua định cách thức xây thành, giao cho Bộ Lễ chọn ngày lành tế trời đất, cáo việc khởi công, phái các quân mở đường sá, làm đất cát, sai Phạm Văn Nhân, Lê Chất và Nguyễn Văn Khiêm trông coi công việc. Quân nhân mỗi tháng cấp tiền một quan, gạo một phương.
Khi quy hoạch, thấy mặt bằng kinh thành mở rộng lấn vào tám xã Phú Xuân, Vạn Xuân, Diễn Phái, An Vân, An Hòa, An Mỹ, An Bảo, Thế Lại, vua Gia Long đã tiến hành cuộc di dân. Để người dân an lòng đến nơi ở mới, nhà vua đã thực hiện chính sách di dời thuận lòng dân.
Theo đó, người dân có ruộng đất bị thu hồi thì theo giá văn tự trả tiền bồi thường, nhà cửa mỗi hộ được cấp 3 quan, mộ mỗi ngôi 2 quan, nhân dân được miễn dịch. Thấy xã Phú Xuân ruộng đất thu hồi gần hết, vua đã dời dân sang xã Vạn Xuân và một số xã xung quanh, cấp ruộng công, đất công cho ở (đất công 3 khoảnh, ruộng công hơn 30 mẫu), cho vay tiền 1.000 quan để chuyển dời. Một số ruộng đất công xa kinh thành được cấp cho người dân xã Phú Xuân di dời canh tác.
Để người dân xã Phú Xuân nhớ về nơi chôn rau cắt rốn, vua Gia Long đã cho giữ lại đình làng Phú Xuân. Đình làng thời chúa Nguyễn nằm ở gần bờ sông Hương được dời lui phía sau Hoàng thành ở phường Hậu Sinh, nay là phường Tây Lộc với quy mô xây dựng lớn hơn. Hàng năm, người dân Phú Xuân khắp nơi có thể về đây thực hiện các lễ tế.
Với chính sách của vua Gia Long, người dân tám xã thuận lòng rời khỏi nơi chôn rau cắt rốn. Người dân Phú Xuân không chỉ qua xã Vạn Xuân bên dòng sông Kim Long định cư mà còn di dời về nhiều nơi có ruộng đất màu mỡ. Dân làng được nhà vua ưu ái đi đến đâu cũng có thể đặt tên vùng đất mới là Phú Xuân mà mình sinh sống.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, cho rằng vua Gia Long có vai trò như kiến trúc sư hoạch định xây dựng Kinh thành Huế. Với chính sách di dời thỏa đáng, nhà vua đã thuyết phục được người dân rời bỏ Kinh thành Huế phồn hoa tới vùng đất mới để xây dựng làng, mở rộng ruộng đất canh tác. Hàng năm, người dân các làng di dời vẫn về nơi đình làng do nhà vua xây dựng ở vùng đất cũ để cúng tế.
"Nhiều chính sách di dời dân của vua Gia Long nay vẫn còn giá trị, là bài học kinh nghiệm cho chính quyền trong việc di dời hàng nghìn hộ dân trên Thượng Thành và Eo Bầu", ông Hoa nói và khẳng định thành công của vua Gia Long là an dân khi vừa thực hiện được kế hoạch di dân xây dựng Kinh thành Huế có quy mô lớn vừa giãn dân mở mang thêm các ruộng đất canh tác mới.
Sau khi người dân di dời ổn định, năm 1805 vua Gia Long bắt đầu khởi đắp, xây dựng Kinh thành Huế. Vua đã huy động 30.000 nhân công trong 4 tháng đắp một số đoạn sông Kim Long, Bạch Yến, đào hệ thống hào để đắp vòng thành đầu tiên bằng đất, đồng thời tận dụng đoạn sông còn lại để đào hệ thống sông Kẻ Vạn, sông Đông Ba, sông An Hòa và sông Ngự Hà chảy bên trong Kinh thành Huế.
Ông Hoa cho rằng, kiến trúc Kinh thành Huế được xây dựng kết hợp hài hòa giữa nguyên tắc dịch lý và phong thủy của phương Đông với kiểu thành Vauban của Pháp, được vận dụng phù hợp với địa thế tự nhiên của vùng đất Phú Xuân - Huế. Yếu tố dịch lý và phong thủy thể hiện rõ khi lấy núi Ngự Bình làm tiền án, sông Hương làm minh đường, có cồn Hến làm tả thanh long, cồn Dã Viên là hữu bạch hổ. Kiểu thành Vauban được xây dựng theo kiểu thành dích dắc có các pháo đài, pháo nhãn, pháo xưởng, tường bắn bên trong, có hộ thành hào ở ngoài nên dễ phòng thủ, khó tấn công.
Sau khi vua Gia Long mất năm 1820, vua Minh Mạng tiếp tục công cuộc xây dựng Kinh thành Huế của vua cha. Diện mạo Kinh thành Huế như hiện nay được hình thành hoàn chỉnh vào tháng 6/1832 khi vua Minh Mạng bố cáo công cuộc xây dựng Kinh thành Huế đã hoàn thành.
Kinh thành Huế có hình gần vuông với chu vi vòng thành hơn 10 km, tường thành dày 21,5 m, cao 6,6 m, được xây khúc khuỷu với những pháo đài bố trí cách đều nhau, kèm theo pháo nhãn, đại bác, kho đạn. Ngoài hệ thống 10 cửa chính và một cửa phụ ở Trấn Bình đài, triều Nguyễn cũng xây dựng hai lối vào sông Ngự Hà nằm giữa Kinh thành Huế qua cống Đông thành Thủy Quan và Tây thành Thủy Quan. Trong đó, Đông thành Thủy Quan được bố trí hệ thống phòng thủ nghiêm ngặt bởi đây là tuyến đường thủy tàu thuyền từ cửa Thuận An có thể vào Kinh thành Huế. Toàn bộ bên trong Kinh thành Huế có diện tích 5,2 km2.
Võ Thạnh