Những ngày cuối tháng 11, công trường xây nhánh cầu Bưng mới trên đường Lê Trọng Tấn, bắc qua kênh Tham Lương (tiếp giáp quận Bình Tân, Tân Phú) đang tất bật thi công các hạng mục cuối. Nhà thầu huy động hơn 20 kỹ sư, công nhân cùng nhiều máy móc tập trung thảm nhựa hai đầu nhánh cầu và hoàn thiện các khe co giãn, chuẩn bị lắp biển báo, sơn kẻ mặt đường... Dự kiến, nhánh cầu này khai thác từ ngày 5/12.
Công trình sắp hoàn thành là một trong hai nhánh thuộc dự án xây cầu Bưng mới, vốn đầu tư 515 tỷ đồng. Khởi công năm 2017, công trình dài 560 m, trong đó tổng hai nhánh cầu dài 207 m, còn lại là đường dẫn. Dự án khi khai thác ngoài thay thế cầu cũ xuống cấp sẽ giải quyết kẹt xe, đồng bộ dự án tiêu thoát nước, giảm ô nhiễm kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên sắp thực hiện...
Kế hoạch ban đầu, toàn bộ dự án hoàn thành sau 20 tháng thi công, song không đạt mục tiêu vì vướng mặt bằng. Để thực hiện công trình trên, TP HCM phải giải toả một phần diện tích của hai doanh nghiệp phía quận Tân Phú và 39 hộ dân bên Bình Tân. Tuy nhiên gần cuối năm 2019, mặt bằng các hộ dân mới được giao, còn mặt bằng ở hai doanh nghiệp đến nay chưa xong.
Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (chủ đầu tư), tháng 11/2019, sau khi quận Bình Tân giao mặt bằng, đơn vị đã tập trung triển khai nhánh cầu thứ nhất của dự án. Nhưng gần một năm sau, công trình đối mặt nguy cơ tạm dừng do vướng diện tích ở hai doanh nghiệp phía Tân Phú. Chủ đầu tư sau đó phối hợp các bên điều chỉnh giải pháp xây dựng, phương án di dời hạ tầng kỹ thuật để có thể thi công. Đến nay, nhánh cầu hoàn thành vượt tiến độ khoảng 1,5 tháng so với kế hoạch.
Sau khi nhánh đầu tiên khai thác, nhánh thứ hai sẽ đẩy nhanh thi công sau khi mặt bằng được giải toả. Hiện, quận Tân Phú làm việc với 2 doanh nghiệp có mặt bằng ở dự án, đưa ra mức giá đền bù, lấy ý kiến sở ngành liên quan để trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt. Theo kế hoạch, toàn bộ công trình câu Bưng hoàn thành tháng 9 năm sau.
Cách đó hơn 11 km, 5 gói thầu xây lắp tại dự án sửa chữa, nâng cấp đường Đặng Thúc Vịnh, dài hơn 5 km từ tuyến Lê Văn Khương đến Tô Ký (huyện Hóc Môn), đang tăng tốc thi công. Mặt đường hiện mở rộng lên 30 m và nhiều đoạn đã được lát gạch vỉa hè, hoàn thiện bó vỉa... Kế bên, dãy nhà mặt tiền đường cũng được chủ hộ tất bật sơn sửa, sắp xếp hàng quán kinh doanh, chờ dự án hoàn thành.
"Chúng tôi mong từng ngày bởi công trình đã thi công mấy năm nay, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt", bà Lê Hằng, 53 tuổi, nhà bên đường nói.
Ông Vũ Đức Duy, Phó chỉ huy công trường tại gói thầu gần đường Lê Văn Khương, cho biết dự án bước vào giai đoạn hoàn thiện. Sau thời gian ảnh hưởng Covid-19, từ tháng 10 đến nay, nhà thầu huy động tối đa nhân công, vật tư cùng hàng chục loại máy xúc, xe lu... tập trung san ủi, đắp nền. Nhà thầu cố đến ngày 31/12 trải nhựa toàn bộ mặt đường giúp người dân thuận lợi đi lại, buôn bán; sau đó làm các hạng mục thoát nước, chiếu sáng, cây xanh...
Dự án đường khởi công năm 2018, là một trong trục kết nối TP HCM qua Bình Dương, Long An. Trước đó bề rộng đường chừng 7-8 m không đáp ứng nhu cầu đi lại nên cần mở rộng, nâng cấp tạo thuận lợi cho xe chạy, giảm ngập nước, ô nhiễm trên tuyến. Dự án ảnh hưởng gần 1.200 hộ dân, với tổng kinh phí bồi thường mặt hơn 1.400 tỷ đồng.
Cùng với hai dự án trên, công trình cầu Hang Ngoài trên đường Nguyễn Văn Nghi - Lê Quang Định (quận Gò Vấp), tổng vốn 404 tỷ đồng đã thông xe hai nhánh sau hơn một năm thi công. Nhà thầu đang làm nốt một số hạng mục phía đường dẫn, thoát nước, chiếu sáng... dự kiến hoàn thành toàn bộ trước 31/12 năm nay.
Trước đó hồi tháng 9 năm ngoái, dự án khởi công xây dựng trên chiều dài 650 m, trong đó phần cầu dài 25 m, rộng 22,5 m với hai nhánh. Công trình giúp xóa điểm nghẽn "cổ chai" do trước đó, cầu Hang Ngoài cũ nhỏ hơn mặt đường, thường gây ùn tắc ở khu vực giờ cao điểm.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, cho biết ban đang "chạy nước rút" để đưa nhiều công trình hoàn thành trước 31/12. Hiện, các dự án này cũng đã bước vào công tác hoàn thiện như: nâng cấp, cải tạo đường và kênh Nước Đen (quận Bình Tân); cầu vượt trước Bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức); mở rộng, nâng cấp đường Trần Văn Mười (huyện Hóc Môn); kè chống sạt lở sông Sài Gòn, đoạn gần Sài Gòn (Bình Thạnh); dự án đường Hương Lộ 11 (Bình Chánh)...
Trước đó sau thời gian tạm ngưng do Covid-19, 40 gói thầu thuộc 22 dự án giao thông trọng điểm tại TP HCM thi công trở lại từ đầu tháng 10, bao gồm các công trình nêu trên. Thời gian đầu, các dự án gặp một số khó khăn do chưa thể huy động ngay nhân công cũng như vận chuyển vật tư trong bối cảnh hạn chế đi lại để phòng dịch. "Hiện, các công trường đã ổn định trở lại, với khoảng 1.050 kỹ sư, công nhân... được duy trì", ông Phúc nói và cho biết ở các dự án, yêu cầu phòng dịch đang được chủ đầu tư, nhà thầu giám sát chặt.
Ngoài các dự án sắp về đích, 11 tháng đầu năm nay, thành phố đã đưa vào khai thác nhiều công trình quan trọng như cầu Phước Lộc (huyện Nhà Bè), sửa đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận 1, Bình Thạnh), mở rộng đường Bùi Đình Tuý (Bình Thạnh)... Ngoài ra, ngành giao thông TP HCM tập trung làm các thủ tục chuẩn bị đầu tư nhiều dự án lớn như cao tốc TP HCM - Mộc Bài, Vành đai 2, 3, mở rộng quốc lộ 50, đường nối Cộng Hoà - Trần Quốc Hoàn...
Theo Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Phan Công Bằng, chậm trễ giải phóng mặt bằng hiện là một trong nguyên nhân lớn khiến nhiều dự án giao thông tại TP HCM chậm tiến độ. Ở hầu hết dự án giao thông tại thành phố, chi phí giải phóng mặt bằng thường chiếm 50% tổng mức đầu tư, trải qua thủ tục kéo dài. Trong số công trình sắp hoàn thành nêu trên, phần lớn trước đó đều vướng mặt bằng.
Gia Minh