Theo kế hoạch chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025 mới ban hành, chính quyền thủ đô đề ra hàng loạt giải pháp, trong đó có nghiên cứu thí điểm làn đường dành riêng cho xe đạp. Hiện đây mới là ý tưởng, thành phố chưa có kế hoạch cụ thể. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, giảng viên Đại học Giao thông Vận tải, trong tương lai gần, xe đạp nên là một trong những phương tiện cá nhân được ưu tiên đầu tư vì đây là xu hướng hiện đại, văn minh và được nhiều quốc gia thực hiện.
Không thể cạnh tranh về sự tiện lợi với các phương tiện cá nhân khác, song xe đạp có lợi thế rất lớn là thân thiện với môi trường và phù hợp với lối sử dụng giao thông công cộng của người dân đô thị. Ông Tuấn dẫn chứng, nhiều nước châu Âu khuyến khích nhân dân đi xe đạp, thậm chí tạo điều kiện để họ có thể mang xe lên tàu điện, xe buýt khi cần thiết. Các nước cũng chú trọng an toàn cho người đi xe đạp bằng cách đặt nhiều biển cảnh báo phương tiện đi chậm khi vào khu vực có xe đạp lưu thông, hoặc dành làn đường riêng cho người đi xe đạp.
Do đó, ông Tuấn cho rằng TP Hà Nội có lý khi tính đến việc mở làn riêng cho xe đạp. Việc này tác động tích cực lên lối sống người dân đô thị, giúp họ vận động nhiều hơn, tăng cường sức khỏe và phù hợp với xu hướng phát triển các loại hình phương tiện thân thiện với môi trường.
Dưới góc nhìn về quản lý đô thị, ông Phạm Văn Khánh, nguyên Cục trưởng Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng), cho rằng làn riêng cho xe đạp phù hợp với chiến lược phát triển giao thông, đặc biệt là giao thông công cộng của Hà Nội. Khi người dân chủ yếu di chuyển bằng phương tiện công cộng, xe đạp sẽ là phương tiện kết nối lý tưởng giữa các quãng đường ở hai đầu tuyến buýt.
"Những đoạn này thường có độ dài dưới một km nên đi xe đạp là phù hợp nhất", ông nói, phân tích với vận tốc trung bình 10-15 km/h, người đi xe sẽ không mất quá nhiều thời gian để di chuyển những quãng đường ngắn. Người di chuyển hàng ngày đoạn đường dưới 5 km, nếu đi xe đạp cũng chỉ mất 20 phút.
Cũng ủng hộ việc nghiên cứu làn đường dành cho xe đạp, chuyên gia giao thông Phan Lê Bình cho biết đây là xu hướng của nhiều nước đã và đang thực hiện. Nhiều người tham gia giao thông đang chuyển dần từ phương tiện cơ giới sang xe đạp để tăng cường sức khỏe và bảo vệ môi trường, không thải ra khí nhà kính.
Đầu năm 2022, Bộ Xây dựng phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) thực hiện dự án "Xây dựng hướng dẫn thiết kế hạ tầng dành cho xe đạp trong đô thị". Báo cáo của nhóm nghiên cứu trong nước cho thấy, ở Việt Nam từ thập niên 1990, số lượng xe đạp giảm dần, nhường chỗ cho xe máy, ôtô. Hiện nay, tỷ lệ người sử dụng xe đạp ở Việt Nam rất thấp, dưới 3%; trong khi tỷ lệ số vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe đạp và xe thô sơ khoảng 5%.
Từ thực tế trên, nhóm nghiên cứu cho rằng, đối với những người làm quy hoạch, thiết kế, tổ chức giao thông, xây dựng tài liệu hướng dẫn thiết kế hạ tầng dành cho xe đạp trong đô thị là rất cần thiết. Ngoài giảm thiểu rủi ro tai nạn cho nhóm người đi xe đạp, thiết kế hạ tầng dành cho phương tiện này còn góp phần thúc đẩy hệ thống giao thông công cộng đô thị phát triển, làm dịch chuyển nhu cầu theo hướng sử dụng phương tiện công cộng thân thiện với môi trường.
Dù ủng hộ Hà Nội thí điểm làn đường riêng cho xe đạp, các chuyên gia cũng chỉ ra chủ trương này của thành phố sẽ phải đối mặt với một số thách thức, thậm chí phản đối từ phía người dân.
Ông Nguyễn Anh Tuấn nêu thực trạng diện tích đất dành cho giao thông ở thủ đô đang thấp, nếu tách làn riêng cho xe đạp có thể khiến người sử dụng phương tiện khác không hài lòng. Xét về độ tiện lợi, thời gian di chuyển cũng như sức lực phải bỏ ra trong mỗi chuyến đi thì xe đạp luôn chịu lép vế nhiều nhất so với xe máy, ôtô.
Ngoài ra, thời tiết Hà Nội cũng khắc nghiệt, nắng nóng, mưa nhiều, việc đi lại bằng xe đạp sẽ bất tiện nên làn đường riêng cho xe đạp có thể sẽ không thu hút nhiều người sử dụng ở giai đoạn đầu. Do đó, Hà Nội nên chọn mở làn riêng cho xe đạp ở những khu đô thị mới, hạ tầng giao thông tương đối đồng bộ để tránh xung đột với phương tiện khác, đặc biệt là các tuyến thường xuyên ùn tắc.
"Việc này cần có đánh giá tác động, lấy ý kiến người dân, chuyên gia và từ các bên liên quan để tạo sự đồng thuận", ông nói, nhấn mạnh rằng dù là thí điểm, thành phố vẫn nên xây dựng kế hoạch chi tiết, có lộ trình rõ ràng đối với việc mở làn riêng cho xe đạp. Vì thí điểm kiểu manh mún, nay làm một, hai tuyến thấy vắng người đi mà bỏ thì không giải quyết vấn đề.
Nguyên Cục trưởng Kinh tế xây dựng Phạm Văn Khánh thì cho rằng cần thời gian để người dân Hà Nội thay đổi thói quen đi lại khi việc di chuyển bằng xe đạp bên cạnh các phương tiện cơ giới khác tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, mất thời gian, tốn sức...
Theo ông Khánh, thành phố cần thực hiện điều tra xã hội học để nắm bắt nhu cầu của người dân, quy hoạch lại các điểm, bãi trông giữ xe, đặc biệt là xe đạp; tính đến phương án kết nối cho người đi xe đạp với các phương tiện công cộng, taxi và quan trọng nhất là đảm bảo an toàn cho họ khi lưu thông cùng ôtô, xe máy.
Sơn Hà - Võ Hải