Theo Cục Hàng không, 6 tháng đầu năm, trong số 128.000 chuyến bay của các hãng hàng không trong nước có 15% chuyến bị chậm, 0,6% chuyến bị hủy. Một trong những nguyên nhân gây chậm chuyến là quá tải không lưu tại cảng hàng không (chiếm tỷ lệ 11% tổng số chuyến chậm), cao hơn so với các năm trước. Lỗi của hãng hàng không, kỹ thuật tàu bay chiếm tỷ lệ 10%.
Theo lãnh đạo Cục Hàng không, các chuyến bay với mật độ cao tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất đã tạo quá tải không lưu, khiến nhiều máy bay phải bay chờ trước khi hạ cánh.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó giám đốc Cảng vụ miền Nam, dẫn ví dụ dịp cao điểm tháng 7, mỗi ngày sân bay Tân Sơn Nhất có khoảng 750 chuyến bay cất hạ cánh, tăng 1,5 lần so với thiết kế, lượng khách tập trung vào khung giờ cao điểm. Một biện pháp giảm quá tải không lưu sân bay Tân Sơn Nhất được đề ra là tăng cường khai thác bay đêm, nhằm giúp kéo giãn các chuyến bay giờ cao điểm.
Cục trưởng Hàng không Lại Xuân Thanh đánh giá, so với năm trước, các hãng hàng không Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh về số chuyến bay, cụ thể là tăng 27.000 chuyến bay, song tỷ lệ chuyến bay chậm, hủy chỉ tăng thêm 1,3%. Điều đó cho thấy các hãng hàng không Việt Nam và đơn vị cung cấp dịch vụ đã nỗ lực để giảm chậm, hủy chuyến trong bối cảnh hạn chế về hạ tầng cảng hàng không.
6 tháng đầu năm, các hãng hàng không Việt Nam đã đẩy mạnh khai thác và tăng tần suất trên các đường bay nội địa nên lượng hành khách nội địa đạt 14 triệu, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước.
Đoàn Loan