Ngày 22/8, chị Hà Linh ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, lên mạng tìm mua vé tàu cho gia đình về quê ở TP Vinh dịp 2/9. Chị bất ngờ khi thấy nhiều tàu đã hết vé ngày 30/8, chỉ còn vài chỗ trên tàu SE7, song mỗi ghế trống lại ở một toa khác nhau. Chị gọi điện hỏi một số nhà xe quen thuộc song đều hết vé vào ngày này.
"Hết vé tàu, xe khách, gia đình tôi phải tính thuê xe riêng về quê dù tốn kém hơn, không thích bằng đi tàu", chị nói.
Trên trang web bán vé của ngành đường sắt, chặng Hà Nội đến Vinh ngày 30/8 hầu hết đã kín chỗ. Ngày 31/8 chỉ còn chỗ giường nằm trên tàu NA1, khởi hành từ Hà Nội gần 22h.
Chặng Hà Nội - Đà Nẵng chỉ còn một số vé giường nằm và ghế ngồi trên tàu SE7 trong ngày 30/8. Ngày 31/8, các tàu đến Đà Nẵng còn nhiều chỗ hơn. Giá vé giường nằm tầng 1 khoang 4 giường cao nhất, giá gần 1,1-1,4 triệu đồng/lượt tùy mác tàu, ngày đi.
Chiều ngược lại, tàu NA4 còn nhiều chỗ ngày 3/9, khởi hành từ Vinh lúc 20h49. Ngày 4/9, từ Vinh đến Hà Nội còn nhiều chỗ trên tàu SE6, SE8, SE2, NA2. Chiều Đồng Hới/Đà Nẵng ra Hà Nội trong những ngày này cũng còn nhiều chỗ.
Tại phía Bắc, chặng Hà Nội - Lào Cai, các tàu đã hết vé trong ngày 30-31/8. Chiều ngược lại về Hà Nội các tàu còn vé trong ngày 3-4/9. Tàu Hà Nội - Hải Phòng còn nhiều vé trong cả đợt nghỉ lễ.
Dịp 2/9, ngoài các đôi tàu chạy thường xuyên, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội lập thêm tàu trên các chặng đi Lào Cai, Hải Phòng, Vinh, Thanh Hóa, Đồng Hới. Đến nay, đơn vị đã bán hơn 26.000 trong tổng số 85.000 vé tàu trên cả hai chiều, đạt khoảng 30%. Các tàu kín chỗ thường từ Hà Nội đi các tỉnh trước dịp lễ, chiều ngược lại vắng khách.
Ở phía Nam, nhu cầu đến các điểm du lịch tăng cao nên nhiều đoàn tàu đi Nha Trang, Quy Nhơn, Tuy Hòa... đã kín chỗ khoang giường nằm ngày 30-31/8. Riêng vé ngồi mềm điều hòa vẫn còn nhiều.
Đại diện Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết trong dịp lễ, ngoài các đoàn tàu chạy thường xuyên, đơn vị tăng thêm tàu ở chặng ga Sài Gòn đến Nha Trang, Quy Nhơn và ngược lại ngày 29/8-3/9. Ngoài ra, chặng Nha Trang - Đà Nẵng cũng được tăng cường thêm đôi tàu SE41/SE42 ngày 30/8-2/9.
Trong dịp nghỉ, đường sắt vẫn áp dụng giảm giá vé cho người thuộc diện hưởng chính sách như thương binh, người khuyết tật, cao tuổi, trẻ em, sinh viên. Khi mua vé khứ hồi, khách được giảm 5% giá lượt về cho cá nhân và 7% cho tập thể từ 20 người trở lên.
Xe khách tăng chuyến, không tăng giá
Tương tự tàu hỏa, một số nhà xe trên chặng Hà Nội đi Nghệ An, Hà Tĩnh trong các ngày 30-31/8 gần như đã hết vé do hành khách đặt trước. Đại diện nhà xe Văn Minh cho biết đơn vị bán vé từ 8/8, đến nay đã hết chỗ trong 3 ngày trước và sau dịp lễ. Hàng ngày, nhà xe có 37 xe hoạt động tại bến Nước Ngầm, khai thác 74 chuyến, dự kiến tăng cường 3-5 chuyến vào ngày cao điểm.
"Dịp 2/9 được nghỉ 4 ngày nên nhiều người đi làm, sinh viên tranh thủ về quê, khách đi du lịch không nhiều vì đã đi rải rác dịp hè", đại diện nhà xe này nói.
Trong khi đó, xe khách đi các tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng... còn nhiều chỗ trong dịp cao điểm. Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty Minh Thành Phát (Xe Sao Việt), cho biết khách đã đặt vé đi Sa Pa, Lào Cai khoảng 50% số chỗ trong dịp 2/9. Ngày cao điểm, đơn vị sẽ huy động xe dự phòng, tăng khoảng 30% số chỗ so với ngày thường.
Trên tuyến Lào Cai, Sa Pa có nhiều xe khách hoạt động nên hành khách không lo hết vé, thường đặt muộn. Các nhà xe lớn như Sao Việt, Hà Sơn Hải Vân... đều cam kết không tăng giá dịp cao điểm, dù nhiều xe phải chạy rỗng một chiều. Giá dao động 300.000-500.000 đồng/giường tùy loại xe, giường.
Ở các tuyến ngắn từ Hà Nội đi Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, đại diện một số doanh nghiệp vận tải, cho biết lượng khách đặt trước đạt 40-50%.
Theo ông Phạm Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Nội, thời gian cao điểm ở bến tập trung các ngày 30-31/8 và 3-4/9. Công ty đề xuất tăng cường khoảng 700 xe, trong đó bến Mỹ Đình 400 xe, Giáp Bát 220 và Gia Lâm 80.
"Hiện chưa nhà xe nào thông báo tăng giá vé dịp này", ông Hùng nói, cho biết đơn vị đã yêu cầu doanh nghiệp vận tải không để xảy ra tình trạng hành khách lên xe không có vé, thu tiền cao hơn giá quy định.
Tại phía Nam, nhiều chặng gần từ TP HCM đến các tỉnh hoặc địa điểm du lịch như Cần Thơ, Đà Lạt, Phan Thiết, Nha Trang... cũng đã khan hiếm vé giường nằm.
Đại diện hãng xe Phương Trang - doanh nghiệp có các tuyến hoạt động ở bến Miền Đông mới (TP Thủ Đức), Miền Tây (quận Bình Tân), cho biết như mọi năm, nhu cầu khách đi du lịch vào dịp lễ rất lớn. Hãng đang cho khách đặt chỗ online nhưng một số chặng vé không còn nhiều những ngày cao điểm.
"Chúng tôi đã điều động thêm 70 ôtô khách và tăng chuyến trên một số chặng có nhu cầu đi lại lớn, nâng tổng số đầu xe khai thác lên gần 1.600", đại diện Phương Trang Futa Buslines nói và cho biết tùy tình hình sẽ điều chuyển xe ở tuyến ít khách sang chặng nhiều trong những ngày cao điểm.
Năm nay, dự báo khách qua bến xe miền Tây tăng đột biến do lợi thế là chặng đường gần. Tổng khách qua bến dịp Quốc khánh ước đạt gần 205.000 người, tăng 15% cùng kỳ năm trước và gấp đôi ngày thường. Trong đó, khách tập trung đông nhất hai ngày 30-31/8, lần lượt khoảng 54.500 và 59.000 người. Bến sẽ huy động thêm xe, với hơn 1.800 chuyến xuất phát mỗi ngày.
Dù khách dự báo tăng cao nhưng các hãng xe ở bến vẫn còn nhiều vé, đặc biệt là ghế ngồi. "Do đặc thù các chặng từ TP HCM về miền Tây gần, thời gian di chuyển nhanh nên thường đến ngày giáp lễ hành khách mới mua vé và đi xe ngay", đại diện bến xe Miền Tây nói, cho biết có nhiều người đã đăng ký qua mạng các hãng xe lớn.
Tại Bến xe Miền Đông mới, lượng khách dự báo khoảng 36.300 lượt, tăng gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Đại diện bến cho biết dù hệ thống cao tốc hướng ra miền Trung, Bắc phát triển nhanh, nhiều người có xu hướng đi ôtô cá nhân những chặng gần. Tuy nhiên, nhu cầu đi xe khách vẫn cao vì các hãng tăng cường nâng chất lượng dịch vụ.
"Trường hợp khách tăng đột biến vượt năng lực các đơn vị vận tải, bến sẽ huy động thêm xe đang chạy theo dạng hợp đồng, du lịch, buýt để giải tỏa", đại diện bến xe cho biết.
Đoàn Loan - Gia Minh