Lộ trình áp dụng hóa đơn điện tử và kết nối với cơ quan thuế được nêu tại dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu được Bộ Công Thương trình Chính phủ tháng trước. Theo đó, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại các đô thị phải thực hiện chuyển đổi sang sử dụng hóa đơn điện tử trong 1 năm, còn tại khu vực miền núi, vùng sâu, xa là 2 năm sau khi quy định mới được ban hành.
Quy định này bổ sung vào dự thảo theo đề nghị của Bộ Tài chính, và đây được coi là một trong những điều kiện để cấp giấy chứng nhận kinh doanh với cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Như vậy, khoảng 17.000 cửa hàng bán lẻ sẽ phải thực hiện lộ trình sử dụng và kết nối hóa đơn điện tử với ngành thuế.
Trong báo cáo vừa gửi Thủ tướng, Bộ Công Thương cho rằng việc áp dụng ngay quy định hóa đơn điện tử và kết nối với cơ quan thuế sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, thậm chí có thể dẫn tới đứt nguồn cung, ảnh hưởng thị trường xăng dầu.
Hóa đơn điện tử hiện mới có Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) áp dụng với hơn 2.700 cây xăng. Các doanh nghiệp lớn khác như Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Công ty Xăng dầu Quân đội (Mipecorp) đang nghiên cứu giải pháp kỹ thuật cho các cửa hàng thuộc hệ thống phân phối. Còn hàng chục nghìn cây xăng của các doanh nghiệp bán lẻ khác chưa áp dụng do chi phí đầu tư lớn, thời gian thực hiện 1-3 năm.
Theo tính toán, trường hợp mỗi cửa hàng có 4 cột bơm xăng, chi phí cho thiết bị in khoảng 3 triệu đồng một cột bơm, với 17.000 cửa hàng bán lẻ hiện nay, chi phí này khoảng hơn 200 tỷ đồng. Ngoài ra, còn chi phí trang bị chip đồng bộ, kết nối máy tính để xuất hóa đơn theo từng cột bơm nhiên liệu.
Trong khi đó, thống kê nhanh của 35 Sở Công Thương các địa phương cho thấy, số cây xăng bán lẻ khoảng 10.000 cửa hàng. Trong đó, gần 1.900 cửa hàng sắp hết giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, phải xin cấp lại trong một năm tới. Như vậy, riêng quý I/2024 sẽ có khoảng 1.500 cửa hàng bán lẻ xăng dầu (752 cửa hàng tại 35 địa phương khảo sát) phải thực hiện hóa đơn điện tử, kết nối với cơ quan thuế, nếu đây là một trong điều kiện để họ được cấp lại giấy phép kinh doanh.
Bộ Công Thương cho rằng, việc áp dụng hóa đơn điện tử là cần thiết, nên doanh nghiệp có nghĩa vụ phải tuân thủ khi kinh doanh xăng dầu. Nhưng trước mắt, để giảm bớt khó khăn, chi phí cho doanh nghiệp, Bộ này kiến nghị bỏ quy định về lộ trình "cứng" thực hiện hóa đơn điện tử tại dự thảo nghị định sửa Nghị định 95. Thay vào đó, cửa hàng bán lẻ thực hiện theo quy định của Luật Quản lý thuế, các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính và cơ quan thuế. Tức là, với trường hợp cấp mới giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện sẽ phải thực hiện và tuân thủ ngay quy định của Luật Quản lý thuế, các văn bản hướng dẫn.
Các cây xăng đang hoạt động, hoặc phải xin cấp lại giấy chứng nhận kinh doanh do sắp hết hạn, thực hiện hóa đơn điện tử như trường hợp cấp mới, sau một năm.