Tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn dài 64 km đã hoạt động được 3 năm, nhưng chưa có trạm dừng nghỉ. Thống kê của Công ty HHV, đơn vị vận hành cao tốc, lưu lượng trên tuyến khoảng 6.000-8.000 lượt xe mỗi ngày.
Tương tự, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (Tiền Giang) dài 51 km đã khai thác gần một năm, hiện cũng chưa có trạm dừng nghỉ. Tuyến này còn nối thông với cao tốc TP HCM - Trung Lương dài hơn 49 km, mới có một trạm dừng tại Km28+200. Đoạn từ Km28+500 đến cuối tuyến dài 73 km chưa có trạm dừng nghỉ, gây khó khăn cho người tham gia giao thông trên cả chặng đường dài.
Vận hành cả hai cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và Trung Lương - Mỹ Thuận, ông Nguyễn Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty HHV, cho biết hai tuyến này đều được các tỉnh quy hoạch và tách hạng mục trạm nghỉ là dự án riêng. Vị trí trạm đã được địa phương xác định, song chưa triển khai.
Tiêu chuẩn quốc gia 5729:2012 khuyến cáo, mỗi 50-60 km cao tốc nên có điểm dừng nghỉ, trạm xăng để lái xe kiểm tra phương tiện, nghỉ ngơi, tiếp xăng dầu. Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận mới hoàn thành giai đoạn 1, chưa đầu tư làn dừng khẩn cấp, cũng chưa có trạm dừng nghỉ. Từ ngày 30/4 đến 23/8, trên tuyến đã có hơn 2,8 triệu lượt xe lưu thông, trung bình 16.800 lượt xe mỗi ngày sau khi thu phí, gần chạm mức mãn tải. Với lưu lượng xe lớn, đơn vị vận hành đã xử lý, cứu hộ hàng nghìn vụ, trong đó có 50 xe hết xăng, 634 xe hỏng.
"Các cơ quan chức năng cần có giải pháp cấp bách xây dựng trạm dừng nghỉ, không gây hệ lụy cho người dân và xử lý đồng bộ với dự án cao tốc kết nối khác", ông Huy nói và kiến nghị sớm đầu tư dự án Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2, để hoàn thiện tuyến cao tốc này.
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dài 139 km đã khai thác được 4 năm, song đến nay chưa có trạm dừng nghỉ cho lái xe, trạm xăng. Theo đại diện chủ đầu tư là Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), dự án còn một số hạng mục dang dở do khó khăn về vốn, như chưa hoàn trả lại đường cho địa phương, chưa hoàn thiện nút giao kết nối với cao tốc đoạn Dung Quất. Chủ đầu tư đã xác định vị trí trạm nghỉ, song đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Cao tốc Tiên Yên - Móng Cái dài 63,3 km, Vân Đồn - Tiên Yên (16,1 km) sẽ thông xe ngày 1/9, liên thông với các tuyến đã khai thác là cầu Bạch Đằng - Đại Yên (25 km), Hạ Long - Vân Đồn (71,2 km). Cả tuyến dài 176 km từ cầu Bạch Đằng tới Móng Cái, song cũng không có trạm xăng và điểm dừng nghỉ để phương tiện kiểm tra kỹ thuật, tiếp nhiên liệu, lái xe nghỉ ngơi.
Với góc nhìn chuyên gia, PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông, cho rằng trên cao tốc cần tính đến các yếu tố đảm bảo sức khỏe cho lái xe, hành khách. Ngành giao thông đã quy định lái xe 4 giờ là phải nghỉ ngơi thì phải có điểm dừng nghỉ cho lái xe. Ngoài ra, trạm dừng nghỉ còn phục vụ kỹ thuật, cung cấp xăng, thay lốp để đảm bảo an toàn cho phương tiện.
"Trạm dừng nghỉ là hạng mục phụ trợ của cao tốc, song một số địa phương giữ lại lập dự án riêng là không hợp lý", ông Chủng đánh giá. Ngoài xây dựng chậm khiến nhiều cao tốc không có trạm nghỉ, việc này còn khiến các trạm quy hoạch lộn xộn, manh mún. Hiệp hội đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải quy hoạch tổng thể mạng lưới trạm nghỉ trên cả nước, theo tiêu chuẩn Việt Nam và thông lệ thế giới.
Ông Chủng cũng đề nghị giao trách nhiệm cho chủ đầu tư cao tốc xây trạm nghỉ để đồng bộ với đường, vốn có thể không nằm trong tổng mức đầu tư dự án cao tốc.
Theo Tiêu chuẩn quốc gia 5729:2012 về thiết kế đường cao tốc, khoảng từ 15 km đến 25 km nên bố trí một chỗ dừng xe dọc tuyến nằm ngoài phạm vi nền đường. Tại đây, người đi đường có thể dừng xe nghỉ ngơi, ngắm cảnh tự nhiên và bảo dưỡng xe.
Khoảng từ 50 km đến 60 km nên bố trí một trạm phục vụ kỹ thuật thông thường (có khả năng cấp xăng, dầu, sửa chữa nhỏ và dừng xe, có nhà nghỉ, nhà vệ sinh, cửa hàng ăn).
Khoảng từ 120 km đến 200 km nên bố trí một trạm phục vụ lớn (có khả năng sửa chữa phương tiện, cấp xăng, dầu, có thể tiếp đón người đi đường với nhà ăn, khách sạn).