Các giáo sư y khoa tại nhiều bệnh viện đại học khắp Hàn Quốc bắt đầu giảm giờ làm kể từ ngày 1/4. Động thái này diễn ra khi căng thẳng giữa các bác sĩ và chính phủ về quyết định tăng 2.000 chỉ tiêu tuyển sinh vẫn leo thang.
Một số bệnh viện tuyến ba (tuyến cao nhất) đã hạn chế khám ngoại trú do thiếu nhân viên. Tình trạng cắt giảm giờ làm dự kiến làm trầm trọng thêm khủng hoảng y tế đang diễn ra tại Hàn Quốc.
"Hơn một nửa số ca phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư bị lùi lại. Tình trạng của các bệnh nhân sẽ trở nên tồi tệ hơn theo thời gian", giám đốc y khoa tại một bệnh viện tuyến ba ở Seoul, nói.
Ông lo lắng tình trạng trở nên căng thẳng hơn, vì các giáo sư trực thuộc Ủy ban Ứng phó Khẩn cấp đã gửi tin nhắn cho đồng nghiệp để khuyến khích cắt giảm giờ làm. Bên cạnh đó, hiện chưa có dấu hiệu chính phủ sẽ nhượng bộ, thay đổi kế hoạch.
Trung tâm Y tế Samsung đã hạn chế các cuộc hẹn khám ngoại trú ở một số khoa từ đầu tháng 4 đến tháng 5. Bệnh viện không tiếp nhận bệnh nhân đến khám chữa lần đầu hoặc bệnh nhân đang muốn điều trị loại bệnh mới.
"Số ca phẫu thuật đã giảm từ 200 đến 220 ca mỗi ngày, xuống còn 100 ca, với khoảng 50% số ca mổ bị hoãn lại", nguồn tin cho hay.
Ủy ban Ứng phó Khẩn cấp, đại diện cho khoa y của hơn 20 trường y trên toàn quốc, trong đó có các trường lớn như Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Yonsei và Đại học Ulsan, thông báo nếu phải trực ca 24 giờ, các bác sĩ sẽ nghỉ ngày tiếp theo.
"Chúng tôi đã bỏ phiếu để điều chỉnh số lượt điều trị ngoại trú và phẫu thuật tại các bệnh viện đào tạo nhằm duy trì việc chăm sóc các bệnh nhân đặc biệt và quan trọng", Ủy ban cho biết.
Việc cắt giảm giờ làm xảy ra vào thời điểm các giáo sư y khoa đã liên tục làm việc 36 giờ, gồm cả các ca trực đêm để lấp đầy chỗ trống do hàng loạt thực tập sinh và bác sĩ nội trú để lại.
Các bác sĩ tại phòng khám tư nhân cũng thông báo sẽ biểu tình "đúng luật pháp" bằng cách giảm giờ làm xuống mức giới hạn theo quy định là 40 giờ mỗi tuần. Tuy nhiên, ảnh hưởng của hành động này được đánh giá là tương đối nhỏ. Trong cuộc đình công với lý do tương tự vào năm 2020, dưới thời Tổng thống Moon Jae-in, chưa đến 10% bác sĩ tư nhân đóng cửa phòng khám. Các bác sĩ tư nhân thường xử lý bệnh nhân ít nghiêm trọng, triệu chứng nhẹ. Do đó, việc giảm giờ là ít có khả năng dẫn đến gián đoạn y tế.
Theo Jeong Hyoung-sun, giáo sư quản lý y tế tại Đại học Yonsei, không dễ để các bác sĩ tư nhân tham gia vào cuộc đình công tập thể, vì họ sẽ mất thu nhập nếu giảm số lượng bệnh nhân hoặc ngừng điều trị hoàn toàn.
Tuy nhiên, bệnh nhân và gia đình vẫn bày tỏ sự quan ngại. Kim Sung-ju, người đứng đầu Hội đồng Quyền lợi Bệnh nhân Ung thư Hàn Quốc, cho biết người mắc ung thư đến các phòng cấp cứu của bệnh viện tuyến ba, sau đó được chuyển đến các bệnh viện tuyến hai vốn đã chật cứng.
"Bác sĩ và chính phủ đang tiếp tục đối đầu mà không đưa ra được biện pháp cơ bản nhất cho những bệnh nhân bị bỏ rơi", ông phát biểu.
Hôm 28/3, Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi Cho Kyoo-hong đã chủ trì một cuộc họp tại Trụ sở Quản lý Thảm họa Trung ương để ứng phó với các hành động tập thể của bác sĩ. Tại đây, ông chỉ thị kiểm tra chặt chẽ hoạt động của các phòng cấp cứu và hồi sức tích cực, ban hành biện pháp bổ sung khẩn cấp nhân lực để lấp chỗ trống.
Hơn 90% trong số 13.000 bác sĩ thực tập của đất nước đã đình công từ ngày 20/2 để phản đối quyết định của chính phủ tăng 2.000 chỉ tiêu tuyển sinh trường y. Từ 25/3, các giáo sư y khoa, đồng thời là bác sĩ cấp cao cũng tuyên bố nghỉ việc tập thể và giảm giờ giảm để ủng hộ học trò.
Việc thêm 2.000 suất sinh viên y là động thái nhằm giải quyết vấn đề dân số già, đồng thời tăng số y bác sĩ trong các ngành thiết yếu. Dù vậy, các bác sĩ đình công lập luận việc tăng chỉ tiêu sẽ ảnh hưởng chất lượng giáo dục và dịch vụ y tế, đồng thời tạo ra tình trạng dư thừa bác sĩ. Họ cho rằng giới chức nên tăng chế độ đãi ngộ, lương thưởng cho bác sĩ để nhân viên y tế yên tâm công tác tại các nhóm ngành "không được ưa chuộng".
Thục Linh (Theo Hankyoreh)