Người phụ nữ có cha già và con gái bị bệnh nặng, đang chờ điều trị. "Nếu các giáo sư cũng rời đi, bệnh nhân sẽ phải hoãn chữa bệnh từ tháng này, thậm chí ngay tuần sau. Con gái, cha tôi và cả tôi đang sống trong nỗi sợ hãi thường trực", cô nói.
Con gái Oh đang học cấp hai, phải chiến đấu với căn bệnh dị tật động tĩnh mạch cột sống, một tình trạng rối loạn bất thường tại tủy sống. Một năm trở lại đây, cô bé điều trị tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul. Nếu không chữa triệt để, căn bệnh hiếm gặp có thể gây tổn thương vĩnh viễn tủy sống, gây khó khăn khi đi lại dẫn đến yếu chi dưới. Người cha 70 tuổi của Oh bị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn 4, cũng đang được xạ, hóa trị tại SNUH.
"Bệnh nhân và gia đình đều phải hứng chịu cú sốc này. Tôi rất biết ơn sự giúp đỡ mà con gái và cha tôi đã nhận được trước đó, nhưng giá mà bác sĩ không gây áp lực lên chính phủ để ngăn cản việc mở rộng chỉ tiêu trường y", cô cho hay.
Oh là một trong những người lo lắng về các khoảng trống có thể xảy đến từ mâu thuẫn đang xảy ra giữa chính phủ và các bác sĩ, vốn ảnh hưởng đến hệ thống y tế quốc gia trong gần một tháng qua.
Hôm 11/3, các giáo sư y khoa tuyên bố có thể ngừng tiếp nhận bệnh nhân và thực hiện các ca phẫu thuật bắt đầu từ tuần tới. Trong bối cảnh căng thẳng, người bệnh và gia đình đã kêu gọi các bác sĩ quay trở lại bên cạnh họ. Hôm 13/3, Hội đồng Quyền lợi Bệnh nhân Ung thư Hàn Quốc gọi việc các bác sĩ rời đi là "bản án tử đối với người bệnh".
Yoon, một bệnh nhân mạn tính ở độ tuổi 80, đang được điều trị tại SNUH, cảm thấy mình có thể sẽ không trụ nổi trước sự ra đi của các bác sĩ. Gần đây, ông đã giảm 10 kg, xuống gần 46 kg, thường xuyên phải nhập viện vì vấn đề thực quản.
"Tôi gần như không còn sức sống nữa. Tôi và gia đình vô cùng lo ngại nếu không có bác sĩ", ông nói thêm.
Lee Jun, 32 tuổi, phải chăm mẹ bị ung thư, cũng tuyệt vọng. Ca phẫu thuật của mẹ anh ban đầu được ấn định diễn ra trong tháng này tại Trung tâm Y tế Samsung, nhưng đã bị hoãn vô thời hạn.
Tính đến hôm 15/3, khoảng 11.900 bác sĩ thực tập tại 100 bệnh viện đã nghỉ làm để phản đối quyết định tăng 2.000 chỉ tiêu tuyển sinh trường y của chính phủ. Căng thẳng leo thang khi các giáo sư trường y cũng tuyên bố sẽ nộp đơn từ chức hàng loạt, trừ khi giới chức đưa ra hành động cải thiện tình hình. Các giáo sư trường y đồng thời là bác sĩ cấp cao, vai trò trụ cột trong điều trị bệnh nhân nặng và nghiêm trọng ở Hàn Quốc. Bộ Y tế nhận được hơn 1.200 báo cáo về bệnh nhân bị ảnh hưởng, hoãn điều trị.
Theo các chuyên gia, thực tế Hàn Quốc thiếu bác sĩ tại các chuyên ngành thiết yếu. Sinh viên y khoa ra trường có xu hướng chọn ngành da liễu và thẩm mỹ, do việc nhàn, lương cao. Trong khi nếu tăng thêm chỉ tiêu, áp lực cạnh tranh ở các nhóm ngành nổi tiếng sẽ cao hơn, song các ngành thiết yếu vẫn chịu tình trạng thiếu bác sĩ.
Vì vậy, các bác sĩ cho rằng chính phủ nên xem xét giải quyết vấn đề trước mắt như tăng lương, đãi ngộ, phân bổ nguồn lực cân bằng hơn giữa các lĩnh vực, thu hút nhân sự về các khoa thiết yếu.
Thực tế, bác sĩ đình công chỉ chiếm một phần nhỏ trong số 100.000 bác sĩ của Hàn Quốc, nhưng chiếm đến hơn 40% lực lượng tại các bệnh viện giảng dạy lớn, thực hiện nhiệm vụ quan trọng trong phòng cấp cứu, chăm sóc đặc biệt và phẫu thuật.
Theo Hiệp hội Thực tập sinh Hàn Quốc (KMA), các bác sĩ thực tập và nội trú nước này trực ca 36 giờ, nhiều hơn so với ca dưới 24 tiếng ở Mỹ. Báo cáo cho thấy chỉ một nửa số bác sĩ trẻ ở Mỹ làm việc 60 giờ một tuần trở xuống. Trong khi đó, bác sĩ Hàn Quốc thường xuyên làm việc hơn 100 giờ.
Bên cạnh cải thiện về lương và giờ làm, những người đình công muốn được bảo vệ nhiều hơn về mặt pháp lý khi xảy ra sự cố y khoa. Theo Joo Su-ho, phát ngôn viên của KMA, nhiều trường hợp, bác sĩ không được bồi thường thỏa đáng khi đứng trước các mối đe dọa về pháp lý, dù điều kiện làm việc khắc nghiệt.
KMA lập luận trong bối cảnh tỷ lệ sinh giảm xuống mức thấp nhất thế giới, nước này không cần thêm bác sĩ. Việc tăng số lượng sẽ làm suy giảm chất lượng chăm sóc y tế, tăng cường cạnh tranh tại các bệnh viện tuyến đầu, nơi có rất ít vị trí cho các lĩnh vực chuyên môn.
Thục Linh (Theo Korea Herald)