Hơn 50 bức hình đen trắng của ông mới đây được trưng bày ở triển lãm Sang sông, đưa người xem vào vùng ký ức làng quê Việt những thập niên trước. Một bức chụp con đường ra bến đò Khuyến Lương (ven sông Hồng, Hà Nội) năm 1997, có cây hoa gạo và dáng hai người đạp xe. Nguyễn Hữu Tuấn chú thích: "Bến đò thường được định vị bằng những cây đa to. Anh bạn ở bên Đức nhắn về hỏi thăm: - Cây gạo bến Sù còn sống không? - Bây giờ còn ư? Nó chuyển sang từ trần từ đời nảo đời nào rồi". Bức khác chụp bến đò sông Đà năm 2003, có cô gái đứng - không rõ chờ hay tiễn. Ông viết: "Ở bến đò thỉnh thoảng cũng có cảnh chia tay hoặc đợi người bên kia sang".
Có khoảnh khắc người đàn ông chờ vợ ở bến sông bên cầu Khánh Hội (TP HCM), người phụ nữ gánh rơm, mấy thằng cu cởi truồng tắm sông... Ảnh tĩnh, nhưng mỗi nhân vật trong trạng thái động, ẩn chứa đẳng sau một câu chuyện, mảnh đời. Nông thôn Việt hiện ra với hình ảnh con người mưu sinh thầm lặng và những phong tục.

Ảnh trong triển lãm "Sang sông" của Nguyễn Hữu Tuấn, hầu hết mô tả con người lao động thuộc các miền quê. Ảnh: Bảo Thư.
Những bức hình là thành quả nhiều năm Nguyễn Hữu Tuấn lang thang qua các đường làng ngõ xóm. Nghệ sĩ quan niệm: "Hiện thực của ảnh phải là hiện thực đời sống". Kho ảnh của ông được xếp thành từng album nhỏ - Tây Bắc, Hà Tây, Hà Bắc (tỉnh cũ), Bắc Sơn (tây Lạng Sơn), Đồng Văn (Hà Giang)... Leo núi, lội bùn, hứng sương, đội nắng... để chụp ảnh với ông là điều quen thuộc. Có lần, ở tuổi 70, ông đi Lạng Sơn, Bắc Kạn suốt hai tuần, ngã. Ông chỉ vào bức hình chụp gốc đa to, đằng xa là ba phụ nữ nông dân trên đường làng: "Cảnh này, tôi đợi cả ngày, không biết bao đoàn người qua, mới được bức tự nhiên, nghệ thuật. Lúc ấn xong, không chắc ảnh như ý, vì giây sau hành động đã khác". Đến khi rửa ra, thấy màu sắc, động tác nhân vật đúng ý, nghệ sĩ mới thở phào nhẹ nhõm.

NSND Nguyễn Hữu Tuấn cạnh kho ảnh cá nhân. Ảnh: Bảo Thư.
Để đảm bảo mỗi khung hình đều chân thực, nghệ sĩ kỹ lưỡng hơn trong quá trình chụp: "Ngày trước, tôi dùng máy to. Chụp lên xạch một cái, như 'bức tử' nhân vật. Sau này đổi máy nhỏ, treo trước cổ, tiếng chụp rất bé". Có lúc, để đảm bảo "bắt" được khoảnh khắc tự nhiên, ông không đưa máy lên ngắm nghía kỹ càng mà làm như vô tình ấn nút. Nhờ thế, cử chỉ, nét mặt, cảm xúc của nhiều lao động vô danh, nông dân, công nhân, ông xe ôm, người lái đò... đọng trong ống kính.
Đa phần Nguyễn Hữu Tuấn chụp ảnh đen trắng. Ông nói: "Tôi cảm giác sử dụng hai màu sẽ dung dị hơn. Người xem không bị phân tâm bởi sắc màu, sẽ chú ý vào chủ đề, câu chuyện, con người". Nghệ sĩ ít can thiệp, chỉnh sửa ảnh. Đôi lúc ông nâng sáng vòm cây hay làm tối hình ảnh người phụ nữ, cốt để tác phẩm đạt hiệu quả biểu đạt tốt nhất.
Từ thiếu thời, Nguyễn Hữu Tuấn đã ám ảnh việc kể những câu chuyện đời sống qua hình ảnh. Ông yêu thích và tập tành theo các bậc thầy nhiếp ảnh thế giới. Cậu bé Tuấn khi đó rung động trước cảnh mỏ đào vàng chen chúc hàng nghìn lao động, nét thống khổ của dân vô gia cư hay đám đông biểu tình trên đường trong ảnh của Henri Cartier-Bresson, Sebastião Salgado, Mary Ellen Mark... Sau này, có dạo nghệ sĩ chụp ảnh màu về thắng cảnh, để tâm nhiều vào lấy ánh sáng, tạo hình, nhưng thấy không phù hợp. "Đó chỉ là bưu thiếp du lịch, giới thiệu vùng miền, không mang nội dung, tư tưởng gì", ông nói.
Hơn 40 năm theo nghề quay phim cũng cho Nguyễn Hữu Tuấn nhiều góc nhìn về đời sống làng quê để đưa vào nhiếp ảnh. Ông cùng đoàn phim từng cất công tìm ruộng ngô, tổ chim non mới nở, cặp ếch giao phối... để khắc họa sức sống nông thôn trong Thương nhớ đồng quê (đạo diễn Đặng Nhật Minh). Những ruộng lúa bạt ngàn, bầy trẻ hát trên đê, đường làng phủ rơm rạ, bến sông xanh ngắt, buồng chuối trĩu quả... xuất hiện ở phim Thị xã trong tầm tay (Đặng Nhật Minh), Bến không chồng (Lưu Trọng Ninh), Lạc lối (Phạm Nhuệ Giang)...
Một cảnh trong "Bến không chồng" (đạo diễn Lưu Trọng Ninh), gợi vẻ đẹp làng quê, nông thôn Bắc bộ. Video: Youtube.
Khi còn quay phim, việc rong ruổi với ông là nghề. Nghỉ hưu, ông càng thích đi, có tuần hai - ba lần tới bến đò, lên vùng núi, ra ruộng lúa. Gần thì lái xe máy, xa thì đưa xe máy lên xe khách để tiện di chuyển. Thỉnh thoảng, nghệ sĩ ra nước ngoài "để biết trên thế giới vẫn còn nhiều người khổ".
Ở tuổi thất thập cổ lai hy, sức khỏe yếu dần, chân di chuyển khó khăn, Nguyễn Hữu Tuấn hưởng tuổi già ở ngôi nhà "vườn trong phố" tại Hà Nội. Phần lớn thời gian ông biên soạn, sắp xếp ảnh để xuất bản, đưa những mảng cuộc đời tới công chúng. Thảnh thơi vậy nhưng ông già 72 tuổi vẫn "đợi khỏe lại đi". Khi được hỏi về bí quyết thành công trong điện ảnh, nhiếp ảnh, nghệ sĩ trầm ngâm: "Trước khi cầm máy, phải là con người đã".
NSND Nguyễn Hữu Tuấn là quay phim kỳ cựu của điện ảnh Việt Nam thế kỷ 20. Tên tuổi ông gắn liền hơn 30 tác phẩm, trong đó nhiều phim kinh điển như Thị xã trong tầm tay, Thương nhớ đồng quê, Bến không chồng... Nghệ sĩ từng nhận nhiều giải thưởng vì những đóng góp trong môn nghệ thuật thứ bảy. Về già, ông dành nhiều thời gian chụp ảnh, tổ chức triển lãm Người đi qua làng, Thư Đồng Văn, Sang sông... được nhiều người quan tâm.
Bảo Thư