"Tôi chắc chắn 100% rằng hành động của Simpson đã cứu mạng mình. Sự chủ động của ông ấy thật tuyệt vời", thiếu tá phi công Mỹ Grant Thompson nói trong cuộc gặp nhiếp ảnh gia Ian Simpson bên ngoài căn cứ không quân Lakenheath ở Anh hôm 21/7.
Thiếu tá Mỹ cảm ơn và tặng cho Simpson các phù hiệu đơn vị của mình để làm kỷ niệm.
Hình ảnh chia sẻ trên mạng xã hội hôm 13/7 cho thấy tiêm kích đa năng F-15E số đuôi 91-0302, thuộc biên chế Phi đoàn tiêm kích số 492 không quân Mỹ, cất cánh từ căn cứ Lakenheath ở Anh với vệt tia lửa kéo dài từ động cơ phải. Luồng lửa phụt ra từ động cơ bên phải rất lớn, nhưng phi công dường như không nhận ra điều này và vẫn tiếp tục điều khiển máy bay thực hiện nhiệm vụ.
"Các phi công thông báo không có vấn đề gì trong hoạt động bay. Chúng tôi nghĩ họ sẽ lập tức hạ cánh, nhưng điều đó đã không diễn ra. Ai đó cũng gọi điện đến căn cứ để thông báo về sự việc", Matt Smart, một trong những người chụp ảnh chiếc tiêm kích tóe lửa, cho hay. Người gọi điện thông báo sau đó được xác định là nhiếp ảnh gia Ian Simpson.
Thompson cho biết không phát hiện điều gì bất thường với tiêm kích của mình. "Đó là chuyến cất cánh bình thường với chúng tôi", thiếu tá Mỹ nói. Sau khi nhận được cảnh báo từ sở chỉ huy tại căn cứ, Thompson thực hiện quy trình ứng phó và yêu cầu tiêm kích đồng đội áp sát để đánh giá mức độ hư hại, xác nhận cửa xả động cơ phải đã gặp vấn đề và trở về căn cứ an toàn.
F-15E Strike Eagle là tiêm kích đa năng được phát triển vào thập niên 1980, dựa trên thiết kế chiến đấu cơ hạng nặng hai chỗ ngồi F-15B Eagle. Phiên bản này được bổ sung khả năng tiến công mặt đất với độ chính xác cao, thay vì chỉ giới hạn ở năng lực đối không như dòng F-15 nguyên bản, có khả năng thực hiện các nhiệm vụ công kích sâu trong không phận đối phương mà không cần phụ thuộc vào máy bay tác chiến điện tử hoặc tiêm kích hộ tống.
Mỹ đang triển khai hai phi đoàn F-15E và một phi đoàn F-15C/D đồn trú tại căn cứ Lakenheath.
Vũ Anh (Theo Drive)