Tờ báo mạng cấp tiến "Norouz" của Iran giải thích tại sao Matxcơva quyết định thực hiện hợp đồng ký với Tehran. Sự kiện chuyển giao nhiên liệu được công bố bất ngờ. Sau tám tháng chậm trễ, cuối cùng Nga dường như đã quyết định thực hiện bản hợp đồng ký với Iran trong lĩnh vực hạt nhân. Các chuyến giao hàng cho nhà máy điện hạt nhân Bushehr đã diễn ra ngày 17 và 28/12. Trước đó vài ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Manouchehr Mottaki đã đến Matxcơva. Trở về từ chuyến công du này, các thành viên của phái đoàn Iran đã khẳng định rằng, nhà máy điện hạt nhân Bushehr sẽ được hoạt động trong thời gian ngắn sắp tới. Việc Iran sở hữu uranium làm giàu là điều mà các nước phương Tây coi là rất có vấn đề. Đặc biệt, các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh và Pháp) cùng với Đức đã bỏ phiếu thông qua hai nghị quyết chống lại Iran vì chương trình hạt nhân. Mỹ và các đồng minh còn đang bàn bạc tiếp một nghị quyết trừng phạt nữa. Trong bối cảnh đó, hành động của Nga chứng tỏ rằng nước này không quan tâm gì tới những lo lắng của các nước phương Tây. Đa số các nước trong nhóm 5+1 - Trung Quốc, Nga, Đức, Pháp và Anh - đều có quan hệ thương mại ít nhiều với Iran. Các trừng phạt tài chính và thương mại đã áp dụng nhằm trừng phạt Iran cũng ảnh hưởng trực tiếp tới họ. Riêng Nga lại có vị trí độc nhất nhờ quan hệ đối tác với Iran trong khuôn khổ hợp đồng xây dựng nhà máy điện hạt nhân Bushehr. Quan hệ này không chỉ thuần túy kinh tế và có cả tính chất chiến lược. Vị trí này khiến Nga làm chủ tình thế. Một mặt, Matxcơva tìm cách giành thời gian bằng việc liên tiếp làm chậm lại việc thực hiện hợp đồng. Hành động này đã giúp Nga tạo điều kiện cho các nước phương Tây - vốn biết rằng Iran phụ thuộc vào nhiên liệu của Nga. Nhưng tại sao giờ đây Nga lại chọn cách giao uranium đã làm giàu cho Iran? Nước Nga dưới thời ông Putin, luôn muốn trở lại mô hình một thế giới hai cực, có nhiều vấn đề không thống nhất với phương Tây. Có thể đưa ra hai ví dụ về việc này: dự án lá chắn tên lửa của Mỹ muốn lắp đặt tại Cộng hòa Czech và Ba Lan; hay vấn đề quy chế cuối cùng của Kosovo. Matxcơva có thể nghĩ rằng đã đến lúc cần tăng thêm sức ép và việc chuyển giao nhiên liệu cho Iran chính là một cách để gây sức ép. Qua đó, Nga chứng tỏ rằng, thay vì là một đồng minh với phương Tây, họ cũng có thể ủng hộ Iran. Bạch Dương (lược dịch) |