Bác sĩ Vũ Hồng Chiến, Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, ngày 16/7 cho biết, người bệnh từng tiêm filler vào má và cằm, cách đây ba năm tại một cơ sở chăm sóc da. Kết quả chẩn đoán bị nhiễm trùng muộn vùng mặt sau tiêm chất làm đầy.
"Trường hợp này nếu không được xử trí kịp thời, ổ áp xe có thể lan rộng, viêm tấy lan tỏa phần mềm, hoặc vỡ ra, để lại sẹo xấu, sẹo lõm cho người bệnh", bác sĩ nói. Ngoài ra, nhiễm trùng vùng mặt nếu không xử lý đúng cách, vi khuẩn có thể theo đường máu vào các tĩnh mạch trong sọ hoặc gây nhiễm trùng máu.
Kíp phẫu thuật đã chủ động chích rạch khối áp xe vùng má để loại bỏ tổ chức mủ dưới da, di chứng để lại là vết sẹo lõm vùng má. Chưa kể, bệnh nhân từng bị áp xe chỗ tiêm vùng má trái cách đây hai năm nên những vùng tiêm khác có thể tiếp tục viêm tấy và tái nhiễm trùng.
Theo bác sĩ Chiến, tiêm filler là một thủ thuật ngoại khoa. Vì vậy, nó có chỉ định, chống chỉ định và có những nguy cơ biến chứng nhất định.
Biến chứng do tiêm filler có thể chia làm hai nhóm chính, gồm biến chứng liên quan đến kỹ thuật tiêm hoặc biến chứng do sử dụng các chất làm đầy không được cấp phép. Trong đó, biến chứng do kỹ thuật tiêm nặng nề nhất là gây tắc mạch máu não gây nhồi máu não, tắc mạch võng mạc gây mù, tắc mạch máu ở da gây hoại tử da.
Với nhóm thứ hai, những chất như silicon lỏng và các chất làm đầy không rõ nguồn gốc, không được xử lý tốt có thể ngấm vào mô, gây viêm tấy, kích ứng, nhiễm khuẩn, tạo viêm, xơ, loét... Tình trạng này có thể xuất hiện sớm hoặc muộn tùy từng bệnh nhân.
Đa số người bệnh bị biến chứng do tiêm ở các cơ sở không phép; người thực hiện không phải là bác sĩ có chứng chỉ hành nghề, không được đào tạo về tạo hình - thẩm mỹ hoặc da liễu, không được đào tạo một cách bài bản về filler, không được học về các biến chứng của tiêm filler cũng như cách để phòng tránh các biến chứng này.
Để đảm bảo an toàn khi tiêm filler làm đẹp, bác sĩ Phạm Thị Việt Dung, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, chị em cần lựa chọn những cơ sở chuyên khoa được cấp phép, các bác sĩ có chứng chỉ hành nghề được phép tiêm filler, dùng những loại filler đảm bảo chất lượng đã được cấp phép (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ, Bộ Y tế).
Nếu xuất hiện biến chứng sớm của tắc mạch khi tiêm filler như mất thị lực, đột quỵ hay yếu nửa người, hoại tử, nhiễm trùng vùng tiêm, thường liên quan đến kỹ thuật tiêm, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được xử lý cấp cứu kịp thời.
Trường hợp xuất hiện biến chứng muộn như nhiễm trùng, viêm loét, vón cục... thường mất nhiều thời gian và để lại nhiều di chứng cả về mặt chức năng và thẩm mỹ. Do đó, nếu tiêm các loại chất làm đầy không rõ nguồn gốc nhưng may mắn chưa xuất hiện các biến chứng thì cũng nên thăm khám định kỳ bởi các bác sĩ chuyên khoa tạo hình, thẩm mỹ hoặc bác sĩ da liễu để điều trị sớm, tránh biến chứng lâu dài.
Thùy An