Ngày 7/8/2020, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 (2.2) Việt Nam đang làm nhiệm vụ tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc ở Nam Sudan (UNMISS) tiếp nhận bệnh nhân 38 tuổi từ Tiểu đoàn bộ binh Mông Cổ ở Bentiu bị vết thương thấu bụng. Tai nạn xảy ra lúc 15h30 khi sĩ quan này cắt một tấm sắt, đột nhiên lưỡi cưa máy văng ra, găm sâu vào bụng. Bệnh nhân được sơ cứu tại đơn vị và chuyển sang Bệnh viện cấp 2 Việt Nam sau 30 phút.
Nhận được thông báo qua điện thoại, Bệnh viện dã chiến 2.2 Việt Nam nhanh chóng tổ chức đội cấp cứu gồm nhiều bác sĩ, điều dưỡng chuyên khoa. Khi bệnh nhân được đưa đến, kíp cấp cứu khám xét đánh giá lâm sàng, chụp X quang, siêu âm, xét nghiệm... Xác định vết thương thấu bụng có khả năng làm tổn thương các tạng trong ổ bụng, bệnh nhân nhanh chóng được đưa sang phòng mổ cấp cứu để vừa khám xét, vừa xử trí tổn thương.
"Tình huống đặc biệt đặt ra lúc đó là không có máu trong kho dự trữ do đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở Nam Sudan làm gián đoạn vận chuyển, cung cấp máu như thường lệ", bác sĩ Nguyễn Quang Chiến, Phó giám đốc Chuyên môn Bệnh viện dã chiến 2.2 Việt Nam nhớ lại.
Ban giám đốc Bệnh viện đã báo cáo Giám đốc Y tế Phái bộ cho phép lấy máu truyền tại chỗ cấp cứu cho bệnh nhân. Phương án này nhanh chóng được đồng ý, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Bộ binh Mông Cổ đã huy động 20 binh sĩ khỏe mạnh trong đơn vị, có cùng nhóm máu với bệnh nhân sẵn sàng hiến máu.
Ca mổ kéo dài khoảng 3 giờ, các phẫu thuật viên đã khám xét cẩn thận tìm các tổn thương trong ổ bụng và xử trí khâu vết thương dạ dày. Việc tổ chức cấp cứu, sẵn sàng phương án lấy máu truyền tại chỗ và xử trí ngoại khoa cấp cứu chuyên nghiệp của Bệnh viện dã chiến 2.2 Việt Nam đã được Giám đốc Y tế Phái bộ và Chỉ huy cao cấp của Phái bộ UNMISS gửi thư khen ngay đêm đó. Bệnh nhân dần ổn định và được cho ra viện sau 7 ngày điều trị.
Hơn một tháng sau đó, ngày 22/9/2020, Bệnh viện dã chiến 2.2 Việt Nam tiếp nhận cấp cứu cho bệnh nhân nam 44 tuổi của Tiểu đoàn bộ binh Ghana, bị vết thương thấu ngực. Anh này bị tai nạn khi đang làm nhiệm vụ ở Leer - cách Bentiu khoảng 120 km. Tai nạn lúc 13h, bệnh nhân được máy bay chuyển từ Leer về Bentiu cấp cứu tại Bệnh viện dã chiến 2.2 Việt Nam.
Ngoài đội cấp cứu sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ, bệnh viện còn cử đội cấp cứu đường không ra đón bệnh nhân tại sân bay Rubkona. Về đến bệnh viện lúc 17h10, bệnh nhân nhanh chóng được đưa vào phòng cấp cứu và phòng mổ.
Theo bác sĩ Chiến, bệnh nhân dần ổn định và trở về đơn vị sau 7 ngày điều trị tại Bệnh viện dã chiến 2.2 Việt Nam. Khi ra viện, sĩ quan này đã viết thư cảm ơn cán bộ, nhân viên Bệnh viện. Anh nói "điều làm cho tôi ngạc nhiên là cách mà các nhân viên của bệnh viện tiếp nhận và cấp cứu cho tôi. Ngay khi tôi mở mắt ra thì đã thấy mình trong tình trạng khỏe mạnh".
"Suốt 20 năm binh nghiệp trong Quân đội Ghana với 9 lần tham gia các Phái bộ gìn giữ hòa bình, tôi chưa bao giờ gặp những nhân viên y tế làm việc nghiêm túc đến vậy. Các bữa ăn của Việt Nam cũng rất ngon. Tôi muốn nhân dịp này cảm ơn các bác sĩ và tất cả nhân viên y tế của bệnh viện đã điều trị cho tôi. Cầu Chúa phù hộ cho các bạn. Bệnh viện cấp 2 Việt Nam muôn năm", bức thư có đoạn.
63 thành viên Bệnh viện dã chiến 2.2 Việt Nam xuất quân lên đường làm nhiệm vụ tại địa bàn Bentiu, thay thế Bệnh viện dã chiến 2.1 trong Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan ngày 13/11/2019. Ngày 22/11/2019, các cán bộ, nhân viên y tế Việt Nam chính thức tiếp quản Bệnh viện cấp 2 thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo đảm sức khỏe cho nhân viên và binh sĩ Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Bentiu, Nam Sudan.
Là tuyến y tế chăm sóc, điều trị cao nhất tại địa bàn, Bệnh viện dã chiến 2.2 Việt Nam tiếp nhận bệnh nhân là nhân viên và binh sĩ Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc từ 6 bệnh viện cấp 1 tại Bentiu, gồm: Bệnh viện cấp 1 Đơn vị Công binh Anh; Tiểu đoàn Bộ binh Mông Cổ; Tiểu đoàn Bộ binh Ghana; Đơn vị Công binh Ấn Độ; Đơn vị cảnh sát Ghana và Bệnh viện cấp 1 của Cơ quan Liên Hợp Quốc tại Bentiu.
"Bentiu là thủ phủ của bang Unity nằm ở phía đông bắc Nam Sudan. Địa bàn có tình hình an ninh phức tạp, nơi có trại tị nạn (POC) lớn nhất của Nam Sudan với trên 100.000 người cư trú", bác sĩ Chiến nói và cho biết tổng số nhân viên và binh sĩ Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại đây duy trì khoảng 2.500.
Bên cạnh nhiệm vụ chính là chăm sóc sức khỏe, điều trị cho nhân viên và binh sĩ Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, Bệnh viện dã chiến 2.2 Việt Nam còn thực hiện nhiệm vụ như một đơn vị quân đội nằm trong đội hình của Phân khu Unity với các nhiệm vụ tự đảm bảo an toàn đơn vị, đảm bảo hậu cần, huấn luyện, dân vận...
Thay vì trở về nước sau nhiệm kỳ một năm, đến nay thời gian thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện dã chiến 2.2 Việt Nam đã kéo dài hơn ba tháng do Covid-19. Đại dịch trở thành thách thức chưa từng có tiền lệ đối với mọi mặt của hoạt động Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc trên thế giới nói chung và ở Nam Sudan nói riêng. "Ở một quốc gia bị tàn phá nặng nề bởi xung đột, đời sống người dân vô cùng khó khăn và hệ thống y tế cực kỳ thấp kém, Nam Sudan mong manh trước Covid-19, có lúc tình hình ở địa bàn trở nên bất ổn, tưởng chừng vượt khỏi tầm kiểm soát", Phó giám đốc Bệnh viện dã chiến 2.2 nói.
Bên cạnh nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân viên Liên Hợp Quốc, Bệnh viện dã chiến 2.2 Việt Nam có thêm một nhiệm vụ đặc biệt là chống Covid-19 tại địa bàn Bentiu, Nam Sudan. Từ chỉ đạo của các cơ quan Bộ Quốc phòng như Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Cục Quân y, Học viện Quân y và hướng dẫn của Cơ quan Y tế Liên Hợp Quốc, Chỉ huy Phái bộ UNMISS, bệnh viện đã chủ động xây dựng kế hoạch và từng bước triển khai bài bản biện pháp phòng chống dịch.
Tình hình càng khó khăn khi 12 thành viên của Bệnh viện dã chiến 2.2 Việt Nam về phép đầu tháng 3/2020 không kịp quay trở lại vì Covid-19 bùng phát tại Nam Sudan. Trong suốt 5 tháng căng thẳng nhất của đại dịch (từ tháng 3 đến 8), 51 thành viên của Bệnh viện phải gánh vác công việc của 63 người.
Dù vậy, đường dây nóng của Bệnh viện dã chiến 2.2 Việt Nam vẫn duy trì 24h/7, không bỏ qua trường hợp nào có dấu hiệu bất thường về sức khỏe. Các ca phẫu thuật, cấp cứu phức tạp và vận chuyển đường không được xử lý tốt.
Hơn một năm thực hiện nhiệm vụ, Bệnh viện dã chiến 2.2 Việt Nam đã tiếp nhận khám và điều trị trên 1.700 lượt bệnh nhân, thực hiện 28 ca phẫu thuật trong đó có 11 ca lớn, chuyển tuyến trên 8 ca bệnh nặng. Đơn vị còn huấn luyện y tế cho phái bộ tại Bentiu như: Các biện pháp phòng chống Covid-19, hệ thống y tế tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, phòng chống một số dịch bệnh phổ biến tại địa bàn, cấp cứu ban đầu, chuyển thương...
Đợt kiểm tra năng lực toàn diện tháng 3/2020, đoàn Tư lệnh quân sự phái bộ UNMISS đánh giá Bệnh viện dã chiến 2.2 Việt Nam ở mức "rất tốt"; đợt đánh giá toàn diện vào trung tuần tháng 5/2020 chấm điểm bệnh viện đạt 4/7 chỉ tiêu xuất sắc. Đặc biệt, Cơ quan Y tế tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York đã trực tiếp thực hiện đánh giá trực tuyến ngày 21/7/2020 về năng lực phòng chống Covid-19 của Bệnh viện dã chiến 2.2 Việt Nam với kết quả 10/12 tiêu chí đạt mức 100%. Bệnh viện được đánh giá "có kết quả vượt trội trong toàn bộ hệ thống các bệnh viện cấp 2 của lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc".
Bệnh viện dã chiến 2.2 đã nhận được trên 50 thư khen, lời cảm ơn của các cơ quan Phái bộ, tổ chức, đồng nghiệp và bệnh nhân. 63 thành viên của bệnh viện đã được tặng huy chương vì sự nghiệp Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Ngày 4/2, Cơ quan quản lý Y tế, An toàn Nghề nghiệp và Sức khỏe Liên Hợp Quốc đã gửi thư khen, ghi nhận sự cống hiến và những nỗ lực của nhân viên bệnh viện trong hoạt động phòng chống Covid-19.
"Trong nhiệm kỳ kéo dài từ 2019 đến 2021 đầy khó khăn, Bệnh viện dã chiến 2.2 đã làm tròn nhiệm vụ kép, là ngôi sao tỏa sáng trong Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan", bác sĩ Chiến dẫn lời của Chỉ huy Y tế lực lượng Phái bộ UNMISS, bác sĩ Jegde Lewin.