Bộ Quốc phòng vừa tổ chức hội nghị tổng kết việc Việt Nam tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc giai đoạn 2012-2020. VnExpress phỏng vấn thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Gìn giữ hòa bình Việt Nam, về nội dung này.
- Tiến trình Việt Nam tham gia lực lượng "mũ nồi xanh" đã diễn ra như thế nào, thưa thiếu tướng?
- Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc là một nhiệm vụ mới của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tháng 11/2012, Bộ Chính trị thông qua Đề án tổng thể về việc Việt Nam tham gia hoạt động trong lĩnh vực này.
Hiến pháp được sửa đổi, bổ sung năm 2013, trong đó đã tạo hành lang pháp lý cần thiết. Cùng năm, Chính phủ phê duyệt Đề án Quân đội và Công An nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc giai đoạn 2014 - 2020 và những năm tiếp theo; đồng thời, Bộ Quốc phòng thành lập Ban chỉ đạo.
Ngày 27/5/2014, Bộ Quốc phòng ra mắt Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Một tháng sau đó, Việt Nam chính thức cử hai sĩ quan đi làm nhiệm vụ sĩ quan liên lạc tại phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan. Đây là lần đầu tiên Việt Nam cử lực lượng ra nước ngoài kể từ khi hoàn thành sứ mệnh giúp Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng.
Lúc này, có nhiều ý kiến khác nhau. Có người có rằng trong nước còn đầy rẫy khó khăn, hậu quả của chiến tranh còn nhiều, thách thức phi truyền thống hiện hữu, tại sao phải mang quân sang tận châu Phi xa xôi? Việc đưa quân tham gia gìn giữ hòa bình dưới ngọn cờ của Liên Hợp Quốc liệu Việt Nam có bị lôi cuốn vào một tổ chức bị chi phối bởi liên minh quốc tế nào đó, trong khi Việt Nam chủ động thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, không liên kết với nước này để chống nước kia; Có người lại lo ngại hoạt động của chúng ta có thể là cái cớ kéo theo lực lượng chống phá khác như bọn khủng bố quốc tế vào trong nước hay không...
Tuy nhiên, quyết định cử quân đi được đưa ra sau quá trình tìm hiểu, chuẩn bị hàng chục năm. Thủ tướng đã cử rất nhiều đoàn của Bộ Ngoại giao, Quốc phòng đi sang các phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc để nghiên cứu. Tham gia lực lượng "mũ nồi xanh" của Liên Hợp Quốc khẳng định sự trưởng thành mới của Quân đội nhân dân Việt Nam, quyết tâm của Bộ Chính trị, thể hiện chúng ta là thành viên có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế; góp phần giải quyết các vấn đề an ninh, bảo vệ hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Gần đây nhất, ngày 13/11/2020, Quốc hội bỏ phiếu thông qua nghị quyết về việc Việt Nam tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, với số phiếu tán thành 100%.
Nghị quyết này giúp tháo gỡ các vướng mắc, bất cập phát sinh trong thời gian qua về cơ chế xây dựng lực lượng, thẩm quyền, quy trình triển khai lực lượng, công tác quản lý; đồng thời, mở ra các lĩnh vực Việt Nam có thể tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc trong tương lai. Trước đây, Việt Nam chỉ tham gia ở các vị trí sĩ quan tham mưu, hậu cần, kỹ thuật, thông tin, liên lạc, quân y, quan sát viên quân sự. Tới đây, các lực lượng của Việt Nam sẽ tham gia làm kiểm soát quân sự, cảnh sát, quan sát viên và giám sát bầu cử; hoặc các lĩnh vực khác do Hội đồng Quốc phòng và An ninh quyết định.
- Từ hai sĩ quan đầu tiên, đến nay Việt Nam đã cử 179 lượt quân nhân đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình. Đâu là những dấu ấn nổi bật nhất, thưa ông?
- Hai sĩ quan đầu tiên với sự chuẩn bị kỹ càng về mọi mặt, từ kiến thức quân sự, văn hóa, đối ngoại Quốc phòng, cho đến các kiến thức hoạt động trong môi trường đa phương, xử lý các xung đột... đã hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ một năm. Đây là tiền đề để sau đó chúng ta từng bước cử các sĩ quan đi làm nhiệm vụ với hình thức từ cá nhân đến đơn vị.
Một dấu ấn đáng kể nữa là khi chúng ta quyết tâm cử bệnh viện dã chiến cấp 2 với 63 bác sĩ và nhân viên y tế sang phái bộ Nam Sudan năm 2018. Đây cũng là lần đầu tiên chúng ta cử lực lượng lớn cấp đơn vị ra nước ngoài kể từ sau khi giúp Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng. Lần này, bộ đội ta không chỉ đem theo súng ngắn, súng tiểu liên mà còn mang xe bọc thép, súng đại liên. Tuy nhiên, chúng ta mang vũ khí không phải để tiến hành chiến tranh hay tham gia bất kỳ cuộc xâm lược nào, mà để đảm bảo an ninh, an toàn cho cho con người và trang bị của mình.
Các thủ trưởng Bộ Quốc phòng vẫn căn dặn chúng tôi là khi chúng ta bảo vệ Tổ quốc thì sẵn sàng hi sinh cả tính mạng của mình, nhưng khi tham gia các nhiệm vụ quốc tế dưới lá cờ của Liên Hợp Quốc thì phải đảm bảo an toàn ở mức cao nhất về tính mạng con người và trang thiết bị. Chúng ta đã đàm phán và thống nhất với Liên Hợp Quốc, quân nhân của Việt Nam có quyền khước từ những nhiệm vụ làm ảnh hưởng quan hệ đối ngoại song phương, thuần phong mỹ tục, hay không phù hợp với tác phong của quân nhân Việt Nam. Rất may là cho đến nay, chưa có sĩ quan nào của chúng ta phải khước từ nhiệm vụ của Liên Hợp Quốc.
Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của chúng ta triển khai tại phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc ở Nam Sudan đã thu dung và điều trị 2.022 bệnh nhân trong 14 tháng. Đây là con số kỷ lục, gấp 10 lần bệnh nhân ở một bệnh viện dã chiến cấp 2 bình thường. Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc và Cố vấn Quân sự của Tổng thư ký Liên hợp quốc tại New York đã gửi thư cảm ơn Chính phủ Việt Nam về sự đóng góp y tế.
Hiện nay, bệnh viện dã chiến 2.2 cũng đang hoạt động rất hiệu quả và tiếp tục khẳng định được năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm cao. Thậm chí sĩ quan gìn giữ hòa bình ở vùng khác, hay trên phái bộ tại thủ đô Juba cũng đi máy bay đến với mong muốn được điều trị ở bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam. Đó là những dấu ấn rất tích cực, để lại nét đẹp trong mắt bạn bè quốc tế, nâng cao vị thế của sĩ quan gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc khi có Việt Nam tham gia.
- Theo ông, điều gì giúp bộ đội Việt Nam làm nên những dấu ấn kể trên khi tham gia lực lượng "mũ nồi xanh"?
- Khi tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, chúng ta nhận thấy rằng sĩ quan của mình hoàn toàn có đủ kiến thức quân sự, năng lực xử lý các vấn đề do hậu quả của các cuộc chiến tranh phi truyền thống để lại. Chúng ta có năng lực để giải quyết các vấn đề bằng kỹ năng mềm tại các phái bộ, khẳng định năng lực quân y, cá nhân trên các cương vị khác nhau như sĩ quan tham mưu, sĩ quan hậu cần, phân tích tình báo...
Tính kỷ luật của sĩ quan Việt Nam được Liên Hợp Quốc đánh giá rất cao vì trong 6 năm triển khai lực lượng chưa có trường hợp nào vi phạm kỷ luật dù là nhỏ nhất.
Bên cạnh đó, sĩ quan Việt Nam còn biết chia sẻ với những khốn khó của người dân nước sở tại, đã để lại dấu ấn đẹp. Mới đây, khi đại dịch Covid-19 diễn ra, trung tá Nguyễn Thị Liên (phái bộ Trung Phi) đã thuê máy khâu, may khẩu trang tặng người dân, sĩ quan phái bộ, lãnh đạo địa phương nước sở tại. Trưởng phái bộ của Liên Hợp Quốc tại Trung Phi đã tặng giấy khen đột xuất cho cô vì lòng bác ái thể hiện được giá trị văn hóa Liên Hợp Quốc đang theo đuổi.
Bệnh viện dã chiến cấp 2 của chúng ta ở Nam Sudan chưa được chuẩn bị kiến thức chữa Covid-19 do lúc đi dịch chưa xuất hiện, nhưng ngay lập tức ta có các biện pháp trau dồi kiến thức bằng cách huấn luyện từ bệnh viện 103, Học viện Quân y thông qua cầu truyền hình. Đến nay, bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 đã thu dung điều trị 15 ca nghi nhiễm Covid-19. Các bệnh nhân đều được xử lý rất tốt, sau đó khỏe mạnh trở lại và xuất viện.
Ấn tượng về kết quả đó, Phó tổng thư ký Liên Hợp Quốc trong cuộc hội đàm với Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh đã đề nghị Việt Nam lập Trung tâm xét nghiệm Covid-19 ở Nam Sudan, đồng thời tiếp nhận nhân viên của Liên Hợp Quốc nhiễm Covid-19 vào Việt Nam chữa trị. Đề nghị này thể hiện sự tin tưởng của lãnh đạo Liên Hợp Quốc đối với năng lực giải quyết vấn đề liên quan đến dịch bệnh của Việt Nam.
Tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, chúng ta cũng chứng tỏ với thế giới, bạn bè quốc tế rằng chúng ta đang lo toan cho những vấn đề chung, đóng góp vào việc thực hiện tám mục tiêu thiên niên kỷ mà Liên Hợp Quốc đã đề ra và mong muốn các quốc gia đồng hành với họ.
- Hơn 6 năm cử quân đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, câu chuyện nào khiến ông tự hào và lo lắng nhất?
- Mỗi người lính bỏ lại người thân nơi quê nhà để đi làm nhiệm vụ quốc tế ở đất nước châu Phi xa xôi đều xứng đáng để chúng ta tự hào. Trong số đó, câu chuyện dạy học của trung tá Lê Ngọc Sơn khiến ai cũng xúc động.
Trước khi triển khai quân ở Nam Sudan, Trung Phi, chúng tôi phải đi nghiên cứu địa bàn nhiều lần. Một trong những nỗi trăn trở của chúng tôi là số phận của những em bé nơi đây. Nếu như ở Việt Nam, cứ buổi sáng, các em nhỏ tung tăng đến trường, chiều xuống được bố mẹ đón về thì ở đó, những đứa trẻ lấm lem ngoài đường hoặc lủi thủi trong những túp lều. Chúng hầu như không được tới trường.
Năm 2017, khi sang Trung Phi làm sĩ quan tham mưu tác chiến ở phái bộ của Liên Hợp Quốc, ngoài thực hiện nhiệm vụ ở văn phòng từ 8h sáng đến 5h chiều, trung tá Lê Ngọc Sơn dành tất cả thời gian còn lại để dạy học cho những đứa trẻ nghèo khó, con em của người dân địa phương. Do các bé nói tiếng Pháp, Sơn nói tiếng Anh nên ban đầu anh chỉ giúp các em làm những phép tính đơn giản.
Từ vài em, sau một thời gian ngắn, lớp của trung tá Sơn đã lên 150 học sinh khiến anh phải chia làm nhiều lớp để dạy. Biết chuyện, Liên Hợp Quốc và phái bộ đã đề nghị một cô phiên dịch từ tiếng Anh sang tiếng Pháp để hỗ trợ anh lên lớp. Thậm chí, Tư lệnh quân sự phái bộ còn phân cho Sơn một chiếc xe để cơ động đi dạy học; rồi Hiệu trưởng Đại học ở Bangui còn mời anh đến giảng dạy.
Chúng tôi cảm thấy rất tự hào vì ngoài hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Liên Hợp Quốc, Bộ Quốc phòng và Cục Gìn giữ hòa bình giao cho, trung tá Lê Ngọc Sơn còn thể hiện tinh thần sáng tạo, sự day dứt, đau đáu với thế hệ trẻ ở một đất nước cách mình hàng chục nghìn cây số.
Bên cạnh tự hào, chúng tôi cũng có những ngày lo lắng, trằn trọc vì không thể liên lạc với các sĩ quan của mình lúc họ nhận nhiệm vụ. Gần đây nhất, nữ sĩ quan Nguyễn Thị Minh Phương, quan sát viên quân sự ở Nam Sudan, đã mất liên lạc với Cục khi đi áp tải lương thực của Liên Hợp Quốc hỗ trợ dân nghèo.
Bình thường, ngày nào chúng tôi cũng nhận được thông tin báo cáo của từng sĩ quan, tổ nhóm, bệnh viện. Nhưng trong gần một tháng, Phương không gửi báo cáo về Cục khiến chúng tôi vô cùng lo lắng vì khi đi cùng đoàn áp tải hàng cứu trợ của Liên Hợp Quốc cho người dân tị nạn, quan sát viên quân sự phải xử lý những xung đột, thậm chí đối mặt với các đoàn cướp bóc. Thông qua các kênh quân sự, chúng tôi biết cô đã nhận nhiệm vụ đến vùng xa xôi hẻo lánh, không có mạng điện thoại và rất may mắn là sau đó, cả đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ, an toàn trở về.
- Ông nói thời gian tới Việt Nam có khả năng mở rộng đến bộ binh, trực thăng tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Kế hoạch cụ thể ra sao?
- Các lĩnh vực mở rộng là đầu bài mà Liên Hợp Quốc đưa ra đối với các nước cử quân chứ không phải chúng ta tự nghĩ ra. Riêng bộ binh và trực thăng thì Liên Hợp Quốc rất cần và chúng ta đã làm việc, bàn thảo với họ nhiều lần.
Đội trực thăng vận tải của Việt Nam đã và đang bay phục vụ giàn khoan, các công ty khai thác dầu khí ngoài Biển Đông, cấp cứu ngư dân ở Trường Sa... Trong đó, đội ngũ phi công có kỹ năng tuyệt vời, thành thạo bay biển - một khoa mục rất khó. Một số nước như Indonesia, Malaysia đã mượn phi công và kỹ thuật máy bay của ta để thực hiện nhiệm vụ khó khăn của họ.
Như vậy, chúng ta có đầy đủ năng lực để triển khai đội trực thăng ở các phái bộ của Liên Hợp Quốc. Và thực tế, một Phó cục trưởng của Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã cùng Phó tổng giám đốc công ty Trực thăng Việt Nam dẫn đầu một đoàn khảo sát ở Mali từ năm 2017.
Còn đối với Bộ binh, Quân đội ta xuất thân từ bộ binh mà ra, nên lực lượng được huấn luyện bài bản theo chiến tranh nhân dân địa phương. Đây là lực lượng dễ thích ứng với nhiều hoàn cảnh của cuộc chiến tranh nhân dân. Nếu như quân đội nhà nghề chỉ tham gia chiến đấu, thì Bộ binh Việt Nam ngoài đáp ứng đầy đủ điều kiện của chiến tranh hiện đại, còn là nòng cốt của các hoạt động mà đội quân nhà nghề không làm như chống bão, lũ lụt, khắc phục hậu quả thiên tai và thách thức phi truyền thống. Đặc điểm này rất phù hợp với tính chất của các phái bộ Liên Hợp Quốc.
Bên cạnh tính kỷ luật cao, các sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam cũng có khả năng thuyết phục rất giỏi, phù hợp với công việc của bộ binh ở phái bộ là làm nhiệm vụ bảo vệ, áp tải lương thực; có kỹ năng thương thuyết, đàm phán với các lực lượng gây hấn trên đường hành quân. Liên Hợp Quốc nhìn thấy tiềm năng, sự nghiêm túc trong công việc của các quân nhân Việt Nam nên rất mong chúng ta triển khai bộ binh.
Hiện nay, Việt Nam đang chuẩn bị Đội công binh gồm 295 người, sẵn sàng triển khai đến các phái bộ của Liên Hợp Quốc trong năm 2021. Đây cũng là thế mạnh của chúng ta vì công binh có kinh nghiệm giải quyết rất tốt các vấn đề xây dựng, rà phá bom mìn, củng cố công trình dã chiến...
Từ tháng 6/2014 đến 12/2020, Việt Nam đã cử 179 lượt cán bộ, nhân viên thuộc Bộ Quốc phòng đi làm nhiệm vụ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Mới đây, một sĩ quan được tiếp nhận làm giảng viên Trung tâm huấn luyện Gìn giữ hòa bình Bộ Quốc phòng Australia, nhiệm kỳ hai năm.
Năm 2020, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam còn có ba sĩ quan vượt qua các bài kiểm tra để trở thành nhân viên tại cơ quan hoạch định chính sách của Liên hợp quốc ở trụ sở New York (Mỹ); sĩ quan điều phối hoạt động quân sự của Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và Quân đội Cộng hòa Trung Phi tại Trung Phi.