"...Tết Tết Tết Tết đến rồi, Tết đến trong tim mọi người. Mừng ngày Tết trên khắp quê tôi, người ra Trung ra Bắc vô Nam, dù đi đâu ai cũng nhớ, về chung vui bên gia đình...".
Những ca từ trong bài hát "Ngày Tết quê em" của Từ Huy cứ vang lên, vang lên nhưng tai tôi như ù đặc, mắt nhòa lệ, tôi không thể nghe thêm được nữa. Đưa tay bấm nút tắt máy, lòng tôi trĩu nặng, đầy những suy tư, những hình ảnh chuẩn bị đón Tết của tôi đã từng có cùng gia đình như chợt ùa về, những kỷ niệm sống dậy quanh tôi, như thể nó chỉ vừa mới có ngày hôm qua đấy thôi. Đến khi mở mắt choàng tỉnh, mới biết chăng đó chỉ là những khoảnh khắc đẹp, những kỷ niệm hạnh phúc và đáng nhớ của những năm tháng tôi còn ở cùng với gia đình bên Việt Nam.
Tôi chưa một lần đi xa nhà, chưa bao giờ rời khỏi vòng tay nâng niu, yêu thương và chăm sóc của ba má, ấy thế mà ông trời se duyên, cho tôi gặp anh. Tôi đã tìm được bến đỗ hạnh phúc của mình nơi một chân trời xa, rất rất xa, nơi có người đàn ông tôi yêu và lấy làm chồng. Đắm mình trong hạnh phúc, nhưng bến bình yên ấy cũng không thể làm lòng tôi thôi nguôi ngoai, khắc khoải nhớ về quê nhà.
Vậy là đã hai mùa xuân qua tôi không được đón Tết chung vui cùng gia đình, nơi đó có ba má, anh chị em của tôi. Còn nhớ Tết năm ngoái, cái Tết đầu tiên xa nhà, hai vợ chồng tôi cùng gia đình tổ chức "nhậu online". Đó làm cụm từ mà ông xã tôi đã dùng, vì chúng tôi cùng gia đình bên Việt Nam mở webcam, cùng nhau tay nâng ly rượu mừng xuân. Rượu chưa uống nhưng lòng đã say, sao mắt ai nghe cay cay... Nhìn những người thân yêu của mình ngay trước mặt đấy thôi, nhưng sao cũng thật xa vời vợi, tay tôi như quá ngắn để có thể với tới, tôi không thể xòa mình vào vòng tay ấm áp của ba má.
Tôi sinh ra và lớn lên ở thành phố biển Quy Nhơn. Năm tôi mười tám, cả gia đình đã chuyển ra Huế, theo di nguyện của bà nội tôi, mảnh đất đã từng gắn bó với tuổi thơ của ba tôi. Mười năm, mười năm nhớ thương! Mười năm là một khoảng thời gian không quá dài, nhưng cũng không quá ngắn, đủ để ta nhớ về nơi ấy với hai tiếng gọi tha thiết "Quê hương".
Huế nghiêng mình soi bóng bên bờ Bắc Hương Giang, hình ảnh chiếc cầu Tràng Tiền với những tà áo dài nữ sinh trăng trắng cả một vùng trời kỷ niệm. Đã xa rồi Huế ơi... Còn nhớ những lúc rong ruổi trên chiếc xe máy, ngày hai buổi đến trường dạy học, tôi đều đi qua cầu Tràng Tiền, trên lối rẽ đi về nhà, phải đi ngang chợ Đông Ba... Những ngày giáp Tết mới thật rộn ràng làm sao, lúc nào cũng đông đúc, người mua kẻ bán, tấp nập xe cộ qua lại, dòng người như hối hả, ai cũng muốn nhanh chân mua sắm, chuẩn bị những gì tốt đẹp nhất cho gia đình của mình mấy ngày Tết. Gia đình tôi cũng không ngoại lệ.
Đối với những ai chưa một lần xa quê hương sẽ không thể nào hiểu được cái cảm giác nhớ nhà đến da diết, hình ảnh những ngày rộn ràng chuẩn bị đón Tết, những chiều tôi cùng má trên chiếc xe máy đi "thồ hàng" ở chợ Đông Ba... Tôi đi dạy học ở trường, được nghỉ vào khoảng 24 Tết, tôi thường cùng má đi mua sắm chuẩn bị mọi thứ. Nào là thịt để ăn ba ngày Tết, nào mứt ngọt, bánh trái, hoa quả, thịt thà...cúng ông bà. Những bữa cơm thân mật đầm ấm, cả gia đình quây quần bên nhau, vừa ăn, vừa nói chuyện cười vui rôm rả... Những bữa ăn không bao giờ thiếu tiếng cười... Nhớ mùi bánh chưng bánh tét, ăn cùng dưa món của má làm...
Huế đã vào xuân! Huế dịu dàng, kín đáo nên thơ như dòng nước Hương Giang, những tán phượng vĩ nghiêng mình như làm dáng đón chào một mùa xuân mới. Ai đã từng một lần ghé Huế, sẽ cảm thấy lòng mình thanh thản, đắm chìm trong sự quyến rũ bởi dòng Hương Giang e ấp, nên thơ. Êm đềm, nên thơ là thế, nhưng khoảng thời gian vài ba tuần trước Tết, có lẽ là khoảng thời gian thú vị nhất để gọi là có không khí Tết...
Nàng Xuân đến, tất thảy mọi thứ như khoác lên mình chiếc áo mới để đón xuân, mọi người như tạm quên đi hết những vất vả lo toan của bộn bề cuộc sống, hoà mình vào không khí rộn ràng của Tết, chào đón một mùa xuân mới với biết bao niềm hi vọng vào một tương lai tươi sáng hơn.
Bánh chưng, bánh tét, dưa món... những thức ăn hết sức quen thuộc, gắn với nét văn hóa và truyền thống của dân tộc Việt Nam. Lúc bà nội tôi còn sống, bà cùng với mẹ tôi thường hay gói bánh chưng, bánh tét ở nhà. Những lúc ấy, con bé con như tôi cứ quanh quẩn bên bà và má để được ăn ké nhân bánh của bà làm. Hình ảnh bà tôi cười móm mém, miệng nhai trầu ngồi gói bánh cho mấy ngày Tết luôn theo mãi trong tim tôi đến tận bây giờ...
Đặc biệt hơn, dù khi ấy còn bé, nhưng tôi nhất định xin ba má cho phép mình được thức khuya để cùng nấu bánh. Tiết trời se se lạnh, ngồi bên ánh lửa hồng cùng gia đình, nghĩ đến hình ảnh ấy, nó như sưởi ấm tim tôi mỗi khi thao thức nhớ về cái Tết nơi quê nhà... Ôi nhớ làm sao những lúc còn bé, khi vẫn còn được phép đốt pháo, tôi thường cùng anh trai đi nhặt những mẩu pháo vẫn còn chưa nổ để dành làm cái pháo tự chế ở nhà... Ba má tôi thường bảo ngày mồng một Tết không được phép qua nhà ai xông đất đầu tiên, thế nhưng vẫn không ngăn được chúng tôi, hai đứa đi nhặt pháo ngoài sân nhà hàng xóm... Đến khi không được phép đốt pháo nữa, anh em chúng tôi đã mua pháo chuột, loại pháo nhỏ dành cho con nít chơi, chúng tôi để nó lên mái tôn nhà mình cho nó nổ kêu to hơn một chút... những ý tưởng trẻ con thật xinh, cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu sao một con bé hiền lành như tôi cũng có thể nghĩ ra...
Hôm 29 tháng 1 vừa rồi, ở Bergkamen Đức, cộng đoàn công giáo đã tổ chức ngày hội vui xuân cho cộng đồng người Việt. Lễ hội mang đậm nét truyền thống văn hóa Việt như phong tục lì xì cho con trẻ lấy hên đầu năm, múa lân rồng, chơi bầu cua, sổ số lô tô, những món ăn thuần túy văn hóa Việt như bánh cuốn, bánh chưng, cháo lòng, gỏi cuốn... Những chương trình như thế sẽ giúp cho những thế hệ con em được sinh ra và lớn lên ở Đức quốc biết được những phong tục tập quán, những nét văn hóa truyền thống của cha ông, tổ tiên mình. Không tiếng pháo chào xuân, không chợ hoa ngày Tết, nhưng lòng người từ già đến trẻ như vẫn tìm được cho mình những niềm vui, những miền ký ức riêng...Cũng rộn ràng không khí Tết, cũng nhạc mừng xuân vang vang, cũng dậy mùi thức ăn đậm đà nét Việt, nhưng sao trong lòng tôi vẫn thấy trống vắng lạ, như thể vẫn còn thiếu một chút gì đấy của cái Tết quê nhà mà chưa thể gọi thành tên...
Tôi đang rất hạnh phúc với gia đình nhỏ của mình, nhưng dù cho có ở nơi phương trời xa nào, lòng tôi vẫn hướng về một nơi xa, xa lắm... nơi có đại gia đình mình ở đó. Coi như một chút tâm tình gửi về những người thân yêu, tôi đã làm một it́ bánh chưng, bánh tét ngày Tết để tưởng nhớ, tìm lại một chút hương dấu yêu của ngày xưa mà tôi đã từng có với gia đình. Dù rằng nó không có được một màu xanh biêng biếc của lớp lá chuối gói bên ngoài như bà và má tôi ở Việt Nam vẫn làm, nhưng nó đậm một màu tình yêu quê hương tha thiết, gói trọn cả tâm tình của kẻ tha hương. Hôm nay nắng xuân đang về, những giọt nắng trong trẻo của một mùa xuân ấm áp, bên hiên nhà ai có tiếng cười vui rộn rã chào xuân, nhưng dường như nụ cười trên môi của ba má tôi vẫn đượm nét buồn, như vầng trăng khuyết chưa tròn đầy, họ như đang mong chờ một tiếng gọi "ba má ơi... con đã về!"... của đứa con gái yêu xa nhà.
Xuân đã về trên khắp quê hương mình... Cầu chúc gia đình yêu thương của con một năm mới tràn đầy hạnh phúc, an lành.
Phan Thị Minh Ý (Dortmund, Đức)
Mời độc giả gửi bài dự thi viết về cảm xúc Tết ở đây.
Vietnam Airlines hân hạnh tài trợ cuộc thi 'Xuân Quê hương'. Xem thể lệ cuộc thi 'Xuân quê hương' tại đây.