Hôm 27/10, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tuyên bố nước này phản đối việc sử dụng vũ lực nhằm thay đổi hiện trạng ở châu Á. Nước Nhật sẽ "tỏ rõ quyết tâm... không dung thứ cho việc dùng vũ lực để thay đổi hiện trạng".
Ông phát biểu trước các binh sĩ lực lượng phòng vệ Nhật, nhưng đối tượng thính giả chính mà ông Abe nhắm đến là Bắc Kinh.
Phản ứng trước tuyên bố trên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 28/10 buộc tội nhà lãnh đạo Nhật Bản "liên tục có những nhận xét mang tính khiêu khích" và "rất ngạo mạn". Global Times, tờ báo có xu hướng dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc, thì cho rằng va chạm giữa các cường quốc "sẽ leo thang thành xung đột vũ trang".
Quan hệ Nhật - Trung trở nên ngày càng căng thẳng từ khi Nhật Bản quốc hữu hóa ba đảo trong quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 9/2012. Quần đảo này do Nhật Bản quản lý trên thực tế, nhưng Trung Quốc vẫn tuyên bố chủ quyền. Mâu thuẫn âm ỉ này được dịp bùng phát vào cuối tuần trước khi Nhật tuyên bố sẽ bắn hạ những máy bay không người lái bị cho là xâm phạm không phận nước này.
Tuyên bố trên của Nhật được đưa ra như một phản ứng cho việc Trung Quốc điều máy bay không người lái tiếp cận khu vực gần quần đảo tranh chấp hồi tháng trước. Trung Quốc cho rằng, bắn hạ máy bay là "hành động chiến tranh" và nước này sẽ "có hành động đáp trả".
Theo ý kiến của ông Mike Green, chuyên gia châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nguy cơ đối đầu bất thường tại khu vực gần quần đảo Senkaku/Điếu ngư "là cao hơn bao giờ hết, nhưng nay không phải là thời điểm tháng 8/1914". Green muốn nhắc tới với việc Thái tử Áo - Hung bị ám sát tại Sarajevo, châm ngòi Thế chiến I.
"Senkaku không phải là Sarajevo, không phải là điểm khởi đầu cho một cuộc đối đầu quân sự ở khu vực Đông Bắc Á. Cho dù có xảy ra một đụng độ quân sự nào đó, nó cũng sẽ nhanh chóng được khống chế, nhưng nó cũng gây ảnh hưởng xấu đến kinh doanh", Green bình luận.
Căng thẳng Nhật - Trung lên cao cuối tuần qua diễn ra cùng thời điểm Trung Quốc lần đầu tiên công bố hình ảnh chi tiết các tàu ngầm hạt nhân của nước này, nhằm thể hiện sự tự tin của quân đội Trung Quốc đang ngày càng lớn.
Một máy bay do thám Trung Quốc bay qua Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 12/2012. Nhật Bản tuyên bố, đây là vi phạm chính thức đầu tiên của Trung Quốc vào không phận nước này từ năm 1958. Tàu và máy bay Trung Quốc kể từ đó thường xuyên xâm nhập vào khu vực do Nhật Bản quản lý, gây quan ngại về việc nảy sinh xung đột.
Tuy nhiên, trước khi những căng thẳng hồi cuối tuần qua nổ ra, tình hình trên khu vực tranh chấp có xu hướng hòa hoãn hơn. Lực lượng tuần duyên Nhật Bản cho biết, tần suất tàu Trung Quốc tiến vào lãnh hải hoặc khu vực tiếp giáp của họ chỉ còn 5 lần một tháng, giảm mạnh so với mức 20-24 lần mỗi ngày trong 4 tháng trước đó. Mặc dù, từ tháng tư đến tháng chín, số lần Nhật Bản điều động chiến đấu cơ ra khu vực tranh chấp lên đến 149 lần, nhưng vẫn ít hơn nửa năm trước đó 88 lần. Quan hệ thương mại song phương tăng hơn so với năm ngoái.
Nguy cơ xung đột
"Nhật Bản đang triển khai một cuộc chiến tâm lý và dư luận", ông Lưu Kiến Dũng, chuyên gia về Nhật Bản thuộc đại học Thanh Hoa, Trung Quốc, bình luận. Ông Lưu cũng hoài nghi về khả năng Nhật Bản sẽ bắn hạ máy bay, bởi hành động này "vi phạm Hiến pháp Nhật Bản, không cho phép nước này tấn công nước khác trừ khi bản thân bị tấn công trước".
Ông Lưu cũng cho biết thêm, hiện không có quy định quốc tế nào về việc đối phó với máy bay không người lái trong vùng lãnh thổ tranh chấp. Nhưng trên thực tế Nhật Bản không thừa nhận tồn tại tranh chấp trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, mà coi đó là lãnh thổ hoàn toàn của Nhật.
Bà Chikako Ueki, chuyên gia quan hệ quốc tế thuộc Đại học Waseda, lại cho rằng ông Abe không chỉ dọa suông, và nhấn mạnh rằng các quy định áp dụng cho máy bay có người lái khi xâm phạm không phận của một quốc gia cũng có thể được áp dụng trường hợp máy bay không người lái.
Nhật Bản phản ứng với các hành động của Trung Quốc bằng cách tích cực tuyên truyền quan điểm của mình về khu vực tranh chấp. Bộ Ngoại giao nước này vừa mới đây đăng tải lên Youtube hai đoạn phim giới thiệu về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và quần đảo khác có tranh chấp với Hàn Quốc với lập trường của Nhật. Đoạn phim về Senkaku đã thu hút được 250.000 lượt xem mặc dù chỉ có phiên bản tiếng Nhật.
Thủ tướng Nhật đang thúc đẩy thông qua một cách giải thích rộng rãi hơn với bản Hiến pháp chống chiến tranh hiện tại, nhằm cho phép lực lượng quân đội của Nhật chiến đấu bên cạnh đồng minh ở nước ngoài. "Chúng ta không thể duy trì hòa bình ở Nhật Bản nếu chỉ tính đến mỗi Nhật Bản", ông Abe phát biểu trong cuộc phỏng vấn với Financial Times.
Theo Green, Nhật Bản rất lo ngại đến máy bay không người lái Trung Quốc, bởi nếu các máy bay Trung Quốc hiện diện thường xuyên và lâu dài sẽ giúp Bắc Kinh đưa ra tuyên bố Tokyo không còn quản lý hành chính quần đảo tranh chấp nữa.
Ông Green chỉ ra rằng cả Mỹ cũng phải chuẩn bị ứng phó với tình huống Nhật bắn hạ máy bay không người lái của Trung Quốc, bởi Mỹ và Nhật có hiệp ước phòng thủ chung.
Cả Trung Quốc và Nhật Bản đều không muốn có xung đột, nhưng "rất khó để tránh những vụ khai hỏa nhầm", Giáo sư Ngưu Trọng Quân thuộc học viện Ngoại giao Trung Quốc, nhận định.
Bà Ueki của Đại học Waseda cho biết quân đội Trung Quốc và Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đạt được đồng thuận về cơ chế xoa dịu nguy cơ tiềm tàng tại Senkaku/Điếu Ngư, nhưng thỏa thuận này chưa được thông qua bởi lãnh đạo cao nhất hai nước chưa có cơ hội nào gặp gỡ để thảo luận.
Tờ Global Times trong khi đó tiếp tục cảnh cáo Nhật Bản không nên cho rằng Trung Quốc muốn tránh một cuộc xung đột vũ trang vì sợ Mỹ, bởi "khó mà khẳng định được giữa Mỹ và Trung Quốc thì ai sợ ai".
Đức Dương (theo Financial Times)