Đầu năm nay, khi nhận thấy Covid-19 không thể qua nhanh, chính phủ Nhật Bản đã hoãn kế hoạch thực hiện chuyến công du đầu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Tokyo kể từ năm 2008.
Hiện giờ, khi Trung Quốc ngày càng có nhiều động thái quyết liệt trong khu vực và áp luật an ninh mới với Hong Kong, Tokyo đang thận trọng trước kêu gọi của phe đối lập về khả năng hủy chuyến thăm của ông Tập. "Chúng tôi hiện chưa sắp xếp lịch trình cụ thể cho chuyến thăm này", Ngoại trưởng Nhật Toshimitsu Motegi nói.
Dù nhiều đồng minh thân cận đã thể hiện quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, đặc biệt là Mỹ, Nhật Bản vẫn theo đuổi chính sách cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc, khi tính tới tương quan sức mạnh kinh tế, quân sự của Trung Quốc, quốc gia láng giềng và là đối tác thương mại lớn nhất của nước này.
"Nhật Bản chắn chắn đang trong thế tiến thoái lưỡng nan", Narushige Michishita, giám đốc Chương trình Nghiên cứu Quốc tế và An ninh tại Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia ở Tokyo, nói. "Chúng tôi hiểu thực tế rằng Nhật Bản vừa hợp tác vừa cạnh tranh với Trung Quốc. Chúng tôi đang tham gia hai cuộc chơi cùng lúc".
Đối với các cường quốc khác, thế trung lập này ngày càng khó có thể áp dụng.
Mỹ đã thông qua lệnh trừng phạt đối với các công ty và quan chức Trung Quốc, đồng thời bác tuyên bố của Bắc Kinh về Biển Đông. Australia kêu gọi cuộc điều tra toàn cầu về nguồn gốc của đại dịch và thông báo đầu tư gần một tỷ USD vào hệ thống phòng thủ và vũ khí công nghệ cao để chống lại Bắc Kinh. Anh và Canada, cùng với Australia, đã đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hong Kong vì luật an ninh mới.
Bắc Kinh hạn chế nhập khẩu hàng hóa Australia và đe dọa đáp trả bất kỳ quốc gia nào có động thái trừng phạt quốc gia này. Trung Quốc hôm 24/7 đã ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô, thủ phủ Tứ Xuyên, sau khi Mỹ đóng cửa lãnh sự quán ở Houston hôm 21/7.
Cách phản ứng khá nhẹ nhàng đối với Trung Quốc đã cho thấy chính sách đối ngoại bấy lâu nay của Nhật Bản, thường theo xu hướng tránh xung đột hoặc công kích trực tiếp với các quốc gia khác. Đôi khi Tokyo cũng tìm kiếm vai trò trung gian, như việc Thủ tướng Shinzo Abe gặp Tổng thống Iran Hassan Rouhani hồi tháng 12 năm ngoái, để cố gắng xoa dịu căng thẳng ở Trung Đông.
Không lâu trước đây, Trung Quốc và Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ hai và ba thế giới, đã "phá băng" quan hệ, khi hai lãnh đạo, Thủ tướng Abe và Chủ tập Tập có cái bắt tay lịch sử tại hội nghị APEC 2014 ở Bắc Kinh. Năm 2018, ông Abe trở thành lãnh đạo đầu tiên Nhật Bản tới thăm Trung Quốc sau 7 năm, cùng với ông Tập cam kết hợp tác nhiều hơn cả về kinh tế và chính trị. Lời mời Chủ tịch Tập tới thăm Nhật Bản được đưa ra sau đó không lâu.
Hiện giờ, khi Bắc Kinh đối mặt nhiều cáo buộc "giấu dịch" khiến thế giới bỏ lỡ thời cơ vàng chống Covid-19, cũng như xích mích với hàng loạt nước, Tokyo không muốn gây căng thẳng với Bắc Kinh, theo Jeffrey Hornung, nhà phân tích tại tổ chức nghiên cứu RAND Corporation.
Về vấn đề Hong Kong, Nhật không gia nhập cùng Mỹ, Australia, Canada và Anh trong tuyên bố ban đầu chỉ trích luật an ninh mới. Thay vào đó, đảng Dân chủ Tự do cầm quyền ở Nhật Bản tháng này thông qua nghị quyết nói rằng họ "không thể đứng bên lề". Với quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, Nhật Bản đã triển khai chiến cơ của Lực lượng Phòng vệ để tuần tra vùng biển này. Nhưng giọng điệu của Tokyo với Bắc Kinh được đánh giá khá nhẹ nhàng.
Yoshihide Suga, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, nói rằng Tokyo đã "mạnh mẽ yêu cầu" tàu Trung Quốc "ngừng tiếp cận các tàu cá Nhật Bản và nhanh chóng rời lãnh thổ của chúng tôi". Ông thêm rằng "chúng tôi muốn tiếp tục phản ứng cứng rắn dựa trên phương thức hòa bình".
Nhiều cơ quan trong chính phủ Nhật Bản đã bày tỏ lo ngại với một số hoạt động của Trung Quốc. Hồi đầu tháng, Bộ Quốc phòng nước này cảnh báo Trung Quốc đã cố gắng "thay đổi hiện trạng của Biển Hoa Đông và Biển Đông", đồng thời xem Bắc Kinh là mối đe dọa dài hạn nghiêm trọng hơn Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, Nhật Bản gần đây đã từ bỏ kế hoạch mua hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore của Mỹ, khiến một số người lo ngại Tokyo có nguy "hở sườn" với Triều Tiên và Trung Quốc. Quyết định này có vẻ như "nghiêng" về phía Trung Quốc. Nhưng ngay sau đó, ủy ban quốc phòng của đảng cầm quyền đã thảo luận khả năng mua vũ khí có khả năng oanh tạc địa điểm phóng tên lửa nếu phát hiện nguy cơ bị tấn công.
Song những thảo luận này mới trong giai đoạn đầu. Họ sẽ cần các đánh giá chuyên sâu từ chuyên gia hiến pháp về khả năng vi phạm điều khoản hòa bình trong hiến pháp Nhật Bản.
"Dù việc hủy mua Aegis Ashore có thể đặt Nhật Bản vào tình thế nguy hiểm hơn, nếu Nhật Bản tận dụng cơ hội này để trang bị cho mình các năng lực khác, kết quả có thể sẽ đáng lo ngại với Trung Quốc", Kristi Govella, phó giáo sư tại khao nghiên cứu châu Á, Đại học Hawaii, ở Manoa, nói.
Về kinh tế, hồi đầu năm, Tokyo đã thông qua luật hạn chế đầu tư nước ngoài trong ngành công nghiệp, được chính phủ Nhật Bản xem là quan trọng đối với an ninh quốc gia. Đây là động thái mà nhiều người cho rằng nhắm vào Trung Quốc. Tokyo cũng cũng cung cấp ưu đãi tài chính cho các công ty, đặc biệt là trong các lĩnh vực quan trọng, để rời Trung Quốc và chuyển hoạt động về Nhật Bản hoặc Đông Nam Á.
"Nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi trong khi nhiều quốc gia khác vẫn rất tồi tệ. Trung Quốc đang ở vị thế thuận lợi để mua các công ty ở nhiều quốc gia khác, nên chính phủ Nhật Bản cần thận trọng về các ngành công nghiệp trọng yếu, liên quan tới quân đội và an ninh quốc gia", Takahide Kiuchi, nhà kinh tế học tại Viện Nghiên cứu Nomura, cho hay.
Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn không muốn đẩy mọi chuyện đi quá xa. Ngoài là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, lượng khách du lịch từ Trung Quốc, trước khi dịch bùng phát, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào. Năm ngoái, gần 115.000 sinh viên Trung Quốc theo học tại các trường đại học ở Nhật Bản.
Nhật Bản, quốc gia từng áp lệnh cấm nhập cảnh với gần 150 quốc gia vì đại dịch, giờ đang cân nhắc tiếp nhận du khách từ một số nước châu Á, trong đó có Trung Quốc.
"Vài năm trước, Nhật Bản dường như không có cơ hội trở thành một trung gian hòa giải, bởi mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã trở nên rất xấu", Govella nói. Nhưng với một Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ, Nhật "thực sự là một quốc gia có nhiều giá trị khác và ý định chưa rõ trong khu vực".
Thanh Tâm (Theo NYTimes)