Đại sứ Mitsuo Sabaka. Ảnh: N.C.
- Phía Nhật phản ứng ra sao sau khi lời khai của lãnh đạo PCI hối lộ quan chức Việt Nam hé lộ, thưa Đại sứ?- Chúng tôi đang làm việc nhằm tìm ra các cơ chế mới để tăng cường tính minh bạch trong các dự án ODA và tránh các trường hợp hối lộ tương tự xảy ra. Vụ việc này xảy ra trong quá trình tuyển chọn đơn vị tư vấn, nên chúng tôi sẽ tập trung vào khâu này. Chúng tôi đang làm việc tích cực và hy vọng sẽ sớm có kết luận về vụ việc.
Cho đến khi mọi chuyện sáng tỏ và hai bên thiết lập được cơ chế mới để tạo tính minh bạch hơn cho các dự án, chúng tôi sẽ tạm ngừng các dự án ODA mới cho Việt Nam.
- Ông nói "tạm ngừng", điều này nên được hiểu như thế nào?
- Chúng tôi sẽ ngừng cấp vốn cho các dự án cho vay mới với lãi suất thấp bằng đồng yen. Các dự án hỗ trợ của Nhật cho Việt Nam chia thành dự án hỗ trợ kỹ thuật, viện trợ không hoàn lại và cho vay ưu đãi. Với các dự án viện trợ không hoàn lại, trước nay không có đơn vị tư vấn. Vụ việc này liên quan đến khâu tư vấn, nên chúng tôi sẽ tạm ngừng các dự án cho vay ưu đãi. Hỗ trợ kỹ thuật và viện trợ không hoàn lại vẫn thực hiện bình thường.
Ông Matsuda Noriyasu, Trưởng đại diện JBIC tại Hà Nội: Vụ PCI sẽ không ảnh hưởng tới các dự án mà JBIC đang cấp vốn, nhưng ở một số khía cạnh đã tác động đến cách nhìn nhận của Nhật về các dự án ODA tại Việt Nam. Hiện Chính phủ Việt Nam đã có một số bước đi trong vụ này, và chúng tôi đang theo dõi sự việc. Tham nhũng là một vấn đề trong các dự án đầu tư tại Việt Nam và vụ PCI là một ví dụ. |
- Ông đánh giá thế nào về động thái của Việt Nam trong vụ việc này?
- Chúng tôi đã thành lập một ủy ban hỗn hợp với Việt Nam và đang làm việc tích cực để sớm có kết luận.
- Người dân Nhật phản ứng ra sao với thông tin về vụ PCI?
- Người dân Nhật tất nhiên không hài lòng. Vụ PCI khiến chúng tôi rất thất vọng. Ban đầu tôi cũng không tin là có sự việc này, nhưng các công việc điều tra đang được thực hiện tại Nhật, và điều này tăng quyết tâm của chúng tôi trong việc chống tham nhũng.
- Quá trình điều tra tại Nhật đến nay diễn tiến ra sao?
- Cuộc điều tra tại Nhật vẫn tiếp diễn và đã có thêm những dữ liệu mới. Trước đó chúng tôi không biết về vụ việc này, nhưng trong quá trình điều tra một số vụ việc khác thì những việc liên quan đến Việt Nam mới hé lộ.
- Ông đánh giá như thế nào về tác động của vụ PCI đến nguồn vốn ODA Nhật dành cho Việt Nam trong tương lai?
- Tôi không thể nói vụ PCI sẽ tác động đến đâu đối với nguồn vốn ODA từ Nhật cho Việt Nam. Tôi chỉ có thể nói rằng, Nhật tạm ngừng ODA cho Việt Nam, chúng tôi đang chờ kết luận cuối cùng của ủy ban chung và những cơ chế mới để tránh tham nhũng. Chúng tôi không nói sẽ giảm, hay cắt ODA, tôi chỉ nói là tạm ngừng.
Theo báo Yumiuri Shimbun của Nhật, 4 lãnh đạo PCI đã nhận tội hối lộ tổng cộng khoảng 2,6 triệu USD cho một quan chức cao cấp tại TP HCM để được tạo thuận lợi cho việc thực hiện các dự án ODA tại Việt Nam. PCI đã giành được hợp đồng giám sát thi công cho dự án giao thông tại TP HCM trị giá 3,1 tỷ yen (1 yen = 0,01 USD), có nguồn vốn từ vốn vay ODA của Nhật. Vào ngày 19/11 vừa qua, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM Huỳnh Ngọc Sĩ, nhân vật bị nghi vấn liên quan vụ hối lộ của PCI, đã bị đình chỉ công tác để phục vụ quá trình điều tra. Trong những năm gần đây, Việt Nam là một trong 3 điểm rót vốn vay ODA quan trọng nhất của Nhật, chỉ sau Ấn Độ và Indonesia. Hiện lượng vốn do Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) cam kết cung cấp cho Việt Nam chiếm khoảng 15% lượng tài chính mà cơ quan này dành cho các dự án ODA trên thế giới. Tại hội nghị CG cuối năm 2007, Nhật đã cam kết tài trợ 1,11 tỷ USD, đứng thứ hai trong các đối tác của Việt Nam sau ADB. Thông thường, việc lựa chọn tổng thầu cho các dự án ODA có vốn vay của Nhật được thực hiện theo phương pháp đấu thầu. Phía Việt Nam hoàn toàn thực hiện và gửi kết quả đấu thầu lên JBIC xem xét và thông qua. Việc lựa các thầu phụ sẽ do tổng thầu tự quyết định, tùy theo tính chất của mỗi dự án. JBIC không can thiệp vào việc lựa chọn tổng thầu hay thầu phụ. |
Ngọc Châu