Những người xin tị nạn vào Nhật Bản trước đây được phép ở lại nước này trong thời gian chờ kháng nghị quyết định, bất kể đơn của họ bị từ chối bao nhiêu lần. Tuy nhiên, kể từ ngày 10/6, chính phủ Nhật Bản áp dụng những thay đổi mới trong luật nhập cư, cho phép trục xuất lập tức những người bị từ chối đơn xin tị nạn ba lần.
Các nhà hoạt động cảnh báo quy định mới có thể khiến nhiều người xin tị nạn vào Nhật Bản gặp nguy hiểm. Nền kinh tế lớn thứ tư thế giới từ lâu đã bị chỉ trích vì tiếp nhận quá ít người tị nạn.
Năm ngoái, Nhật Bản cấp quy chế tị nạn cho 303 người, chủ yếu đến từ Afghanistan, và đây được xem là "con số cao kỷ lục" của nước này.
Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản Ryuji Koizumi hồi tháng 5 cho biết luật mới giúp giới chức trục xuất nhanh chóng và dễ dàng hơn những người không được phép ở lại và giúp giảm tình trạng giữ người dài hạn tại các cơ sở nhập cư.
"Những người cần sự bảo vệ sẽ được bảo vệ, còn những người vi phạm các quy định sẽ bị đối xử nghiêm khắc", Bộ trưởng Koizumi nói.
Những người phản đối luật mới bày tỏ quan ngại về tính rõ ràng trong quy trình sàng lọc đơn xin tị nạn của Nhật Bản, đồng thời cảnh báo luật mới có thể khiến người xin tị nạn đối mặt khó khăn sau khi hồi hương.
Hiệp hội Người tị nạn Nhật Bản kêu gọi xây dựng một hệ thống "công bằng" để "bảo vệ những người xin tị nạn ở Nhật Bản theo tiêu chuẩn quốc tế".
Nhật Bản đã tiếp nhận hơn 2.000 người Ukraine tới nước này sau khi chiến sự bùng phát, nhưng coi họ là "người di tản" theo một khuôn khổ pháp lý đặc biệt, thay vì người tị nạn.
Ngọc Ánh (Theo AFP)