Hàng ngày, bà Tám, 51 tuổi, trú xã Tam Quang, đạp xe gần 5 km từ nhà đến xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, hái rong mứt. Từ tháng 9 đến tháng 1 âm lịch năm sau, tại ghềnh đá Bàn Than, rong mứt vào mùa.
Chân đi dép rọ, khoác chiếc áo mưa, bà Tám đi dọc bãi đá, thấy chỗ nào rong mọc xanh đen thì sà xuống nhặt. Đôi tay bà thoăn thoắt nhổ đám rong bám chặt trên từng hòn đá. Sau khoảng 15 phút, bà đổ rong vào bình nhựa và tiếp tục công việc cho đến 9h với thành quả là hơn một kg rong mứt.
Loại rong mứt rất đặc biệt, năm nào mưa gió dai dẳng thì được mùa. Năm nay, mưa ít, rong cũng ít hơn. Hái rong mứt phải tùy thuộc vào con nước, khi thủy triều xuống, bãi đá lộ thiên mới hái được. Đến lúc nước lên thì dừng công việc. Mỗi ngày bà Tám hái khoảng 3-5 giờ.
Bà Tám mang số rong về nhà rửa sạch qua ba lần nước ngọt và bỏ vào tấm vải màn vắt sạch nước. Sau đó từng cọng rong được bà trải lên tấm phên tre dài khoảng 40 cm, rộng 25 cm để phơi giữa trời. "Một kg rong tươi phơi khô được gần hai lạng khô, bán 250.000 đồng một lạng", bà giải thích.
Sống ở vùng biển, không có đất trồng lúa, mùa đông tàu thuyền dừng hoạt động nên bà Tám không có việc làm. Công việc hái rong cho bà nguồn thu nhập vài trăm nghìn đồng mỗi ngày.
Bà Huỳnh Thị Thiểu, 56 tuổi, trú xã Tam Hải, cũng đi từ 5h sáng đến 10h hái được gần 2 kg rong, bán được 200.000 đồng. Trong thôn bà có hàng chục người khác ra ghềnh đá Bàn Than hái rong mứt. Một số người dùng ghe thuyền ra Hòn Mang, Hòn Dứa, cách ghềnh đá Bàn Than gần một km nhặt được số lượng lớn.
Công việc này không phải đầu tư nhiều, chỉ cần mua đôi dép chống trơn, áo mưa, rổ nhựa và bì đựng. Tuy nhiên, do thường xuyên tiếp xúc đá, vỏ hàu sắc nhọn nên bà Thiểu thi thoảng bị cứa đứt da. "Do phải cúi người lâu nên lưng mỏi, đòi hỏi phải dẻo dai mới lấy được nhiều rong", bà nói.
Rong mọc trên ghềnh đá, thủy triều xuống thường gần sáng. Người hái phải thực dậy sớm, chịu được ướt, lạnh trong nhiều giờ. "Bãi đá trơn trượt, sóng đánh liên tục nên phải cẩn thận. Vừa hái rong, vừa phải quan sát thường xuyên, nếu sẩy chân hoặc gặp sóng lớn cuốn xuống biển là mất mạng", bà Thiểu nói thêm.
Xã Tam Hải từng có người bị sóng cuốn tử vong trong lúc hái rong. Chính vì vậy những người hái rong luôn đi theo nhóm để hỗ trợ nhau.
Rong mứt hay còn gọi là rong mứt biển, rong biển đen, tên khoa học là Porphyra, thuộc ngành tảo đỏ Rhodophyta, sinh sống và phát triển tự nhiên ở vùng nước lợ hoặc vùng nước biển nông.
Loại rong này có hàm lượng dinh dưỡng cao gấp hàng chục lần rong khác do chứa các acid amin, các vitamin B, B2, A, C và các nguyên tố vi lượng, khoáng chất cần thiết cho cơ thể con người, trong khi hàm lượng chất béo không cao, rất thích hợp cho người ăn kiêng và bị tiểu đường.
Rong mứt có thể chế biến thành nhiều món ăn như nấu canh tôm, thịt băm, cá khoai tươi, tép, hến hoặc củ quả.