Nhật Bản hôm nay công bố biểu đồ cho thấy vị trí của các giàn khoan của Trung Quốc, trong đó 12 giàn khoan lắp đặt trong hai năm qua, theo AFP.
"Việc Trung Quốc đơn phương khai thác các nguồn tài nguyên nơi đường biên chưa được phân định là rất đáng lên án", ông Yoshihide Suga, Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản nói.
Sự hiện diện của các giàn khoan này vi phạm thỏa thuận hai nước ký tháng 6/2008, về việc cùng khai thác chung. Theo ông Yoshihide, Tokyo đã nhiều lần phản đối nhưng Bắc Kinh vẫn không thiện chí nối lại các cuộc trao đổi về thực hiện thỏa thuận, và "dường như vẫn tiếp tục các hành động của mình". Từ lâu Nhật Bản đã nghi ngại Trung Quốc vi phạm thỏa thuận khai thác chung ở khu vực chồng lấn, nơi hai nước tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế (EEZ).
Nhật Bản đưa ra cáo buộc này sau khi chỉ trích Trung Quốc xây đảo nhân tạo và căn cứ quân sự ở Biển Đông. Lần đầu tiên những hình ảnh vệ tinh về hoạt động cải tạo đất trái phép của Trung Quốc ở Trường Sa xuất hiện trong Sách Trắng quốc phòng của Nhật Bản năm nay.
Phản ứng trước cáo buộc của Tokyo, Bắc Kinh hôm qua nói rằng hoạt động khai thác thăm dò dầu khí của Trung Quốc tại biển Hoa Đông được tiến hành trong vùng biển thuộc chủ quyền của nước này. "Việc Nhật Bản chỉ trích các giàn khoan của Trung Quốc đang khai thác ở biển Hoa Đông sẽ không mang lại ý nghĩa xây dựng để cải thiện quan hệ hai nước, càng làm phức tạp tình hình tại khu vực", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khẳng nói.
Ông Lục nói thêm rằng Bắc Kinh coi trọng các nguyên tắc đạt được tại biển Hoa Đông, sẵn sàng tiếp tục duy trì liên lạc với Nhật Bản. Việc Nhật Bản gây tranh cãi về vấn đề dầu khí tại biển Hoa Đông sẽ không có lợi cho việc triển khai đối thoại và hợp tác giữa hai nước tại khu vực này.
Tại biển Hoa Đông, Trung Quốc tranh chấp với Nhật Bản quần đảo Shenkaku/Điếu Ngư. Tại Biển Đông, Trung Quốc tự vẽ ra đường lưỡi bò phi lý, chiếm gần hết vùng biển này, đi sâu vào các vùng thuộc chủ quyền của Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.
Khánh Lynh - Quốc Trung