Theo Reuters, trong bản báo cáo dày 500 trang được chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe phê duyệt hôm nay, lần đầu xuất hiện những hình ảnh vệ tinh về hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhật Bản chỉ trích Trung Quốc xây đảo nhân tạo và căn cứ quân sự ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trong khi Trung Quốc tuyên bố sử dụng các công trình xây dựng ở Biển Đông cho mục đích bảo vệ và cung cấp dịch vụ dân sự có lợi cho nước khác thì Nhật lo ngại, Trung Quốc sẽ sử dụng những căn cứ này để áp đặt ảnh hưởng lên khu vực. Biển Đông là tuyến hàng hải quan trọng, có lượng hàng hóa thương mại trị giá 500 nghìn tỷ USD đi qua mỗi năm, phần nhiều trong số đó đến và đi từ Nhật Bản.
Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với 3,5 triệu km2 diện tích Biển Đông, bất chấp sự phản đối của các quốc gia láng giềng như Philippines, Việt Nam và Malaysia. Nước này cũng căng thẳng với Nhật vì tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.
Không chỉ cải tạo đất ở Biển Đông, Trung Quốc còn tiến hành xây dựng nhiều nền tảng ở biển Hoa Đông từ hai năm trước, dù bị Nhật Bản phản đối.
"Chúng tôi xác nhận Trung Quốc bắt đầu xây dựng nhiều cơ sở thăm dò mới, và chúng tôi lặp lại sự phản đối trước hành động đơn phương của Trung Quốc, yêu cầu nước này ngừng ngay mọi hoạt động," Bộ Quốc phòng Nhật tuyên bố.
Sách trắng quốc phòng Nhật năm nay nêu bật nguy cơ đe dọa từ Trung Quốc. Trong một động thái liên quan, lần đầu tiên kể từ khi Thế Chiến II chấm dứt, Hạ viện Nhật tuần trước thông qua dự luật cho phép quân đội nước này tham chiến ở nước ngoài.
Nhật Bản đang tìm cách xây dựng mối quan hệ chặt chẽ trong khu vực Đông Nam Á. Họ hy vọng sẽ giúp nâng cao năng lực của các quốc gia Đông Nam Á để đối phó với những hoạt động của Trung Quốc.
Nhật và Philippines gần đây tiến hành hai cuộc tập trận hải quân chung ở khu vực Biển Đông. Hồi tháng 6, Thủ tướng Abe và Tổng thống Aquino tuyên bố đang tiến hành đàm phán việc cho phép Nhật sử dụng căn cứ quân sự của Philippinse ở Biển Đông. Nhật cũng không loại trừ khả năng tiến hành tuần tra ở Biển Đông, bất chấp phản đối của Trung Quốc.
Hồng Hạnh