"Khả năng này hoàn toàn không thể xảy ra. Chúng tôi đang thực hiện hoạt động trinh sát và cảnh báo nhằm sớm tìm thấy máy bay gặp nạn", Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya hôm nay phát biểu trong cuộc họp báo ở Lầu Năm Góc khi được hỏi về nguy cơ xác tiêm kích F-35A bị Trung Quốc trục vớt.
"Tôi khẳng định điều đó sẽ không xảy ra. Mỹ đang hợp tác với Nhật Bản trong chiến dịch tìm kiếm cứu nạn. Chúng tôi có thể triển khai thêm lực lượng nếu cần thiết", quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan nói thêm.
Quân đội Mỹ và Nhật Bản huy động nhiều máy bay, tàu chiến, trinh sát cơ hiện đại quần thảo suốt nhiều ngày trên vùng biển ngoài khơi tỉnh Aomori, đông bắc Nhật Bản nhưng vẫn chưa tìm thấy xác tiêm kích tàng hình F-35A gặp nạn tối 9/4 cùng dấu vết của phi công điều khiển. Những gì họ tìm được chỉ là vệt dầu loang cùng một số mảnh vỡ cánh đuôi tiêm kích xấu số.
Quan chức Nhật Bản nhận định xác máy bay nằm ở vùng biển có độ sâu 1.500 m. Tokyo đã triển khai ít nhất ba tàu chiến và một tàu cảnh sát biển, trong khi Washington điều một số máy bay tuần thám biển P-8A Poseidon, trinh sát cơ U-2 và tàu khu trục USS Stethem tới hỗ trợ tìm kiếm.
Thông tin duy nhất về chiếc F-35A là vị trí cuối cùng của nó trước khi biến mất khỏi radar. Với tốc độ hành trình cao, tiêm kích F-35A có thể bay thêm nhiều km sau khi biến mất khỏi màn hình radar. Khi đâm xuống biển, xác của nó có thể bị dòng hải lưu cuốn ra xa hơn và bị phân tán thành nhiều mảnh ở các khu vực khác nhau, khiến công tác tìm kiếm cứu nạn càng thêm khó khăn.
Tiêm kích F-35A được trang bị hệ thống thoát hiểm với bộ định vị khẩn cấp trong ghế phóng, giúp lực lượng cứu nạn nhanh chóng xác định vị trí phi công. Tuy nhiên, quân đội Nhật - Mỹ không thu được tín hiệu phát ra từ thiết bị này, cho thấy phi công nhiều khả năng không đủ thời gian phóng ghế thoát hiểm và đã thiệt mạng. Việc không biết vị trí ghế phóng cũng ngăn cản quá trình khoanh vùng địa điểm máy bay đâm xuống biển.
Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản (JASDF) cho biết người điều khiển tiêm kích gặp nạn là thiếu tá phi công Akinori Hosomi, 41 tuổi, từng có 3.200 giờ bay tích lũy nhưng chỉ có 60 giờ bay trên F-35A. Máy bay gặp nạn mang số hiệu 79-8705, là chiếc F-35A đầu tiên do Nhật tự lắp ráp và từng hai lần phải hạ cánh khẩn cấp do sự cố kỹ thuật.
Khu vực tiêm kích F-35A gặp nạn là vùng biển quốc tế, tàu thuyền các nước đều có thể tự do tiếp cận, làm dấy lên lo ngại về việc các cường quốc như Nga hay Trung Quốc sẽ sớm triển khai tàu trinh sát, tàu ngầm tới khu vực để thu thập càng nhiều thông tin càng tốt về chiến đấu cơ tàng hình tối tân này.
Các chuyên gia phương Tây cho rằng Nga và Trung Quốc khó lòng sao chép toàn bộ công nghệ trên F-35, ngay cả khi thu được xác máy bay tương đối nguyên vẹn. Dù vậy, Mỹ vẫn phải đối mặt với một thảm họa bảo mật nếu để Nga và Trung Quốc có được bất kỳ bộ phận nào của chiếc F-35A.
Vũ Anh (Theo Task & Purpose)