Đề xuất của ông Abe là một trong những phương án được đưa ra nhằm thay thế lá chắn Aegis Ashore, tổ hợp hiện đại được bố trí trên đất liền để đánh chặn tên lửa đối phương. Hội đồng An ninh Quốc gia Nhật có thể lựa chọn phương án cuối cùng trước tháng 10 năm nay, theo NHK.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono hôm nay cho biết mua sắm vũ khí cho phép tấn công căn cứ tên lửa đối phương cũng là một phương án được Tokyo xem xét nhằm cải thiện năng lực phòng thủ tên lửa đạn đạo.
Các động thái này được đưa ra sau khi ông Kono hôm 16/6 bất ngờ thông báo hoãn triển khai hai hệ thống Aegis Ashore do khó khăn về tài chính và vấn đề kỹ thuật. Quyết định này khơi mào các cuộc tranh luận trong chính phủ và truyền thông Nhật về phát triển năng lực tấn công lãnh thổ đối phương nhằm đối phó mối đe dọa từ chương trình tên lửa và hạt nhân Triều Tiên, cũng như hoạt động quân sự của Trung Quốc.

Tiêm kích Nhật mang mô hình tên lửa siêu thanh XASM-3 dưới cánh. Ảnh: JASDF.
Trước khi chính phủ Nhật quyết định triển khai hệ thống Aegis Ashore hồi năm 2018, nhiều nhà lập pháp thuộc đảng cầm quyền cho rằng tấn công căn cứ tên lửa đối phương không vi phạm hiến pháp hòa bình vì đây được coi là hành động tự vệ.
Điều đó thúc đẩy Tokyo đặt mua hàng loạt tên lửa hành trình JASSM-ER phóng từ máy bay với tầm bắn 1.000 km, cho phép tiêm kích hoạt động trên vùng biển gần Nhật Bản đánh trúng mục tiêu trong lãnh thổ Triều Tiên. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng chúng chỉ hiệu quả với mục tiêu cố định, khó phát huy hết uy lực với các bệ phóng tên lửa đạn đạo di động nếu thiếu năng lực trinh sát và dẫn bắn qua vệ tinh.
Việc theo đuổi chiến lược tung đòn phủ đầu cũng dẫn tới thay đổi đáng kể và dễ gây tranh cãi về chính sách quốc phòng Nhật Bản, gây lo ngại cho các nước láng giềng. Mỹ, đồng minh lớn nhất của Nhật, dường như cũng không hài lòng khi Tokyo xây dựng năng lực tiến công độc lập.
Những giải pháp thay thế Aegis Ashore có thể gồm tăng số máy bay cảnh báo sớm, hoặc triển khai máy bay không người lái (UAV) có khả năng giám sát các trận địa tên lửa và tấn công nếu phát hiện nguy cơ về một vụ phóng đe dọa lãnh thổ Nhật Bản.
Nếu không tìm ra được phương án thế chỗ Aegis Ashore, Tokyo sẽ phải trông đợi vào 7 tàu khu trục trang bị lá chắn Aegis và các hệ thống phòng không Patriot. Sự phát triển nhanh chóng của hải quân Trung Quốc đang buộc Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (JMSDF) phân tán hạm đội tàu chiến Aegis, gây suy giảm khả năng bảo vệ đất liền trước mối đe dọa từ tên lửa Triều Tiên.
Vũ Anh (Theo Reuters)