Nhiều câu chuyện có nhân vật là người lớn tuổi chứng minh sức hấp dẫn của mình với độc giả ở mọi lứa tuổi trên thế giới. Điển hình, trước khi trở thành hiện tượng xuất bản toàn cầu năm 2012, tác phẩm Người đàn ông mang tên Ove (A Man Called Ove) của nhà văn người Thụy Điển Fredrik Backman từng bị nhiều nhà xuất bản từ chối bản thảo vì cho rằng "không ai đọc sách về một người đàn ông lớn tuổi", theo Goodreads.
Một số sách viết về người lớn tuổi gây tiếng vang còn có Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất, Bà ngoại tôi gửi lời xin lỗi. Trong đó, Ông Hendrik Groen 83 ¼ tuổi là cuốn tiểu thuyết mới nhất về đề tài này được xuất bản trong nước.
Tác phẩm xuất bản lần đầu năm 2014, xoay quanh câu chuyện của ông Hendrik, ngoài 80 tuổi, sống trong viện dưỡng lão. Hendrik lập "câu lạc bộ Già nhưng không Cỗi" và cùng các thành viên khác sống những năm cuối đời một cách tự do, thoải mái. Thái độ "vô tổ chức" khiến giám đốc viện dưỡng lão bực tức, nhưng lại làm hài lòng Eefie - cụ bà mà nhân vật chính say đắm.
Những bài học đúc kết từ kinh nghiệm sống của các nhân vật là điểm sáng trong tác phẩm. Khi đến độ tuổi "gần đất xa trời", trải qua được mất, cảm xúc của Hendrik trước từng sự kiện cuộc đời dường như "cô đặc" hơn. Một số nhân vật trong truyện học cách chấp nhận thiếu sót của mình, biết trân quý những gì còn lại và đồng thời coi nhẹ cái chết.
>>> Trích sách Nhật ký bí mật của ông Hendrik Groen 83 1/4 tuổi
Sách có đoạn: "Lại thêm một năm nữa, và tôi vẫn không ưa đám người già. Cái khung tập đi, thái độ hở chút là nôn nóng, những lời ca cẩm bất tận, trà và bánh quy, cùng bao tiếng than vãn của họ. Tôi ấy hả? Tuổi mới có 83 thôi".
Hendrik và các thành viên câu lạc bộ đều sống tràn đầy, không e sợ, rộng lượng và vô cùng hài hước. Họ chọn đi nốt chặng đường cuối một cách tích cực, không còn ngần ngại để mạo hiểm làm điều trước đây chưa từng thử, thậm chí bày tỏ tình yêu thương. Tác phẩm đặt câu hỏi: Nếu vui sống chẳng bao giờ là điều muộn màng, vậy liệu có khi nào là quá trễ để gặp được tình yêu của đời mình?
Trong cuộc sống hiện đại, người già thấu hiểu những giá trị cốt lõi của tình yêu, tương tác và quan tâm nhau nhiều hơn. Vì giới hạn sức khỏe lẫn tiền bạc, các nhân vật tạo ra "câu lạc bộ Già nhưng không Cỗi" để gặp nhau định kỳ, cùng nấu ăn, xem phim 3D, thăm hỏi khi đau bệnh. Tác giả nhận định: Những trải nghiệm dễ dàng có được khi con người trẻ đẹp, khỏe mạnh thì trở nên đáng trân quý khi đã già.
"Tối qua, câu lạc bộ Già nhưng không Cỗi đã có buổi họp mặt đầy ngẫu hứng. Chủ đề chính: Tình trạng sức khỏe của Evert. Chúng tôi quyết định dành cho ông ấy một cuộc đón tiếp về nhà nồng hậu, có thể là vào thứ Hai hoặc thứ Ba tuần sau. Theo Edward, chuyến du ngoạn tiếp theo sẽ dành thuận lợi cho người ngồi xe lăn. Vào cuối buổi họp mặt, chúng tôi đã nâng ly vì sức khỏe của Evert, và hình như là uống quá đà một chút", tác giả viết.
Khác với Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất lấy bối cảnh nhiều nơi thế giới, tác phẩm kể câu chuyện trong một không gian cụ thể: Viện dưỡng lão. Trong đó, những người già ở đây đều là nhân vật chính. Họ không có siêu năng lực hay mối quan hệ đặc biệt, chỉ là những người tìm cách cùng nhau trải qua tuổi già một cách lạc quan nhất có thể.
Sách không tô hồng đời sống của những người trong viện mà cho thấy họ có thể ngã xuống vì bệnh tật hay tai nạn bất ngờ. Đồng thời, Hendrik Groen bày tỏ sự lo lắng về chế độ phúc lợi cho người già, niềm nhớ mong con cháu.
Tác phẩm có lối viết hóm hỉnh nhưng khiến độc giả cảm động ở những chi tiết chân thực, như mô tả việc giảm sút trí nhớ ở người già. "Sáng nay, tôi không tìm được chùm chìa khóa của mình. Đã lục tung căn phòng, bao gồm cả cái hốc tường đặt giường ngủ, xáo lộn tung bành, chật chội như vốn dĩ. Phải tìm kiếm cả tiếng đồng hồ mà tôi không chửi thề (chỉ suýt buộc miệng mà thôi), cuối cùng cũng phát hiện ra chùm chìa khóa nằm trong tủ lạnh. Đãng trí. Người già, giống như trẻ nhỏ, luôn luôn không tìm thấy nhiều thứ, mà họ lại không còn mẹ để bảo cho biết là phải tìm ở đâu", tác giả kể.
Tiểu thuyết được dịch sang 20 thứ tiếng, được giới chuyên môn đánh giá cao. Nhà văn Graeme Simsion nhận xét nội dung mang nhiều nỗi niềm của tác giả. Tờ Minneapolis Star Tribune cho rằng sách "sâu sắc và chân thực", trong khi New York Post viết: "Tác phẩm hấp dẫn, đầy cảm động, nhắc nhở độc giả niềm vui có thể được tìm thấy trong cuộc sống thường ngày".
Theo Irish Times, Hendrik Groen không phải tác giả cuốn sách. Trên thực tế, không có ai - ngoài biên tập viên người Hà Lan - biết danh tính người viết. Có rất nhiều suy đoán "cha đẻ" tiểu thuyết là nhà văn nổi tiếng. Sau Nhật ký bí mật của ông Hendrik Groen 83 1/4 tuổi, tác giả xuất bản thêm cuốn On the Bright Side: The New Secret Diary of Hendrik Groen, 85 Years Old (2019) và Two Old Men and a Baby (2021).
Quế Chi