Ảnh do tác giả cung cấp. |
Con sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Hà Nội nhỏ bé. Nơi ấy là cha, là mẹ, là gia đình, là nhà con, là bạn bè, là thầy cô, là mái trường, là kỉ niệm thân thương từ khi nhỏ xíu cho đến tận khi con trưởng thành. 17 năm đầu tiên của cuộc đời, 17 lần đón Tết ở chốn quen thuộc ấy. Đêm 30 ngắm pháo hoa đón giao thừa cùng gia đình; mùng 1 đi thăm ông bà ngoại, đi đền Ngọc Sơn; mùng 2 lên Phủ Tây Hồ, đi chúc Tết. Tết năm nào của con cũng luôn như vậy, luôn đầm ấm bên những người con yêu thương.
Năm nay thì khác. 18 tuổi, lần đầu tiên con đón Tết ở một nơi không phải là Hà Nội. Lần đầu tiên con thấy nhớ cái rét cắt da cắt thịt nhiều đến thế, con thèm biết bao nhiêu cảm giác sum vầy bữa cơm tất niên cùng gia đình mình. Ngắm phố phường Tết qua ảnh bạn bè gửi cho con,tìm cảm giác Tết trong những trang kỉ niệm. Con nhớ Hà Nội quá!
Đúng mùng một Tết, con bắt đầu kì thi kết thúc học kì I. Ngồi trong phòng thi mà lòng con cũng cứ chộn rộn không yên. Con cũng muốn xúng xính quần áo mới đi chơi, đi chụp ảnh, rồi được nhận tiền mừng tuổi… Bất chợt nhận ra Tết Hà Nội vẫn luôn trong lòng con, ở Hà Nội, hay ở đây, cách nơi kí ức chín nghìn cây số.
Con nhận ra được nhiều thứ khi lần đầu tiên đón Tết xa nhà. Ngày trước ở nhà mẹ luôn là người tất bật dọn dẹp, nấu nướng, sắm sửa. Năm nào cũng vậy,mẹ luôn mang đến cho nhà mình một cái Tết thật chỉn chu. Nhưng từ khi đặt những bước chân đầu tiên lên nơi đất khách, con biết mình sẽ phải tự mang lại cảm giác Tết như ở nhà. Bởi vậy dù bận việc thi cử, nhưng con vẫn dành thời gian nấu nướng, dọn dẹp, bày mâm ngũ quả, cả bánh chưng, giò chả bố mẹ gửi sang nữa. Có lẽ, không phải sinh nhật, mà chính là bữa cơm tất niên đầu tiên ở cây số thứ chín nghìn tính từ Hồ Gươm này, mới đánh dấu sự trưởng thành của con.
Con tìm hiểu, tham gia các hoạt động của du học sinh tại Pháp, được gặp gỡ bạn bè, được trò chuyện trong bầu không khí vô cùng Việt Nam. Mọi người ở đây cho con cảm giác như những người thân trong gia đình vậy, dù mỗi người đều có cuộc sống riêng nhưng luôn dành cho nhau những điều thật ấm áp và tuyệt vời.
Nhưng giống như mẹ viết dành tặng con trong lúc giao thừa vậy, xa gia đình quả là một khó khăn rất lớn, con nhớ nhà và con biết, mọi người trong gia đình cũng vô cùng nhớ con. Nhưng bù lại,con có được cơ hội trưởng thành, chín chắn và rắn rỏi hơn, vậy thì cũng rất đáng đúng không mẹ? Thế nên trong lúc giao thừa, con chỉ ước sao năm tới này con sẽ đủ mạnh mẽ, mạnh mẽ hơn năm cũ để luôn đứng vững ở nơi rất xa vòng tay che chở của bố mẹ.
Bữa ăn với những món quê nhà. Ảnh do tác giả cung cấp. |
Cho dù đang không ở Hà Nội, nhưng đâu phải vì thế mà trong lòng con không cảm nhận được dư vị Tết, không cảm nhận được cái rét lạnh buốt và không khí ngọt ngào của mùa xuân đang chớm nở. Ở đây, nơi Paris rất xa xôi này, con vẫn nhận được đủ tình thương yêu của gia đình. Khoảng cách là một phép thử của tình yêu, nhưng con biết, tình yêu mà cha mẹ dành cho con sẽ xoá nhoà mọi khoảng cách. Và đó cũng chính là sức mạnh từ trái tim cha, mẹ; sức mạnh giúp con đứng vững trước mọi sóng gió của cuộc đời; là ánh sáng nơi tối tăm; là nguồn ấm nơi lạnh lẽo; là bàn tay kéo con đứng dậy mỗi lần vấp ngã; là chiếc hôn dịu dàng trong giây phút cô đơn…
Vì vậy, con sẽ luôn đốc thúc bản thân, không cho phép mình gục ngã. Con sẽ chứng minh rằng, bé con của bố mẹ nay đã trưởng thành, đã thành một thiếu nữ chín chắn, can đảm và thông minh, để không phụ lòng tin yêu mà gia đình gửi gắm. Bố mẹ à, hãy chờ con. Hà Nội à, hãy chờ con. Ngày xa càng lâu cũng có nghĩa ngày về sắp đến. Con sẽ về để lại được chìm đắm trong vòng tay quê hương.
Vũ Hoài Ly