Chính phủ yêu cầu Giáo hội Thống nhất trả lời loạt câu hỏi đầu tiên về vấn đề tài chính và tổ chức với hạn chót ngày 9/12, Bộ trưởng Văn hóa Nhật Bản Keiko Nagaoka cho biết hôm nay. Sau khi thu thập bằng chứng, cơ quan này sẽ xác định có đệ đơn kiện để hủy bỏ tư cách pháp nhân của giáo hội hay không, quy trình dự kiến mất vài tháng.
Giáo hội mong nhận loạt câu hỏi đầu tiên từ chính phủ Nhật Bản vào ngày 23/11, và sẽ hợp tác trong quá trình điều tra, người phát ngôn Giáo hội Thống nhất tại Nhật Bản nói. Một chức sắc cấp cao tại trụ sở Giáo hội Thống nhất ở Hàn Quốc cho biết họ đang theo dõi sát tình hình.
Luật sư Shiori Kanno dự đoán vụ việc sẽ được đưa lên tòa án tối cao nếu chính phủ Nhật Bản muốn giải tán giáo hội một cách hợp pháp. Bà Kanno thuộc một ủy ban của Cơ quan các vấn đề người tiêu dùng Nhật Bản, đang điều tra giáo hội về hoạt động bán hàng để huy động tiền từ tín đồ.
"Giáo hội sẽ không được hưởng chính sách miễn thuế, như với tiền quyên góp từ tín đồ", bà nói. Tuy nhiên, mất tư cách là tổ chức tôn giáo không ảnh hưởng đến việc Giáo hội Thống nhất tiếp tục hoạt động ở Nhật Bản.
Giáo hội Thống nhất trở thành tâm điểm chú ý của dư luận sau vụ ám sát cựu thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Nghi phạm Tetsuya Yamagami khai với cảnh sát rằng anh ta bắn ông Abe vì tin cựu thủ tướng có liên hệ với Giáo hội Thống nhất. Nghi phạm nói mẹ anh ta là thành viên Giáo hội Thống nhất và gia đình bị khánh kiệt vì giáo phái này.
Giáo hội Thống nhất được thành lập năm 1954 ở Hàn Quốc, vươn ra toàn cầu và sở hữu đế chế kinh doanh lớn. Tổ chức từng đối mặt tranh cãi ở Mỹ, nơi người sáng lập Sun Myung Moon bị kết tội trốn thuế và lĩnh án tù. Tại Nhật Bản, Giáo hội Thống nhất đăng ký hoạt động với tư cách một tôn giáo từ năm 1964 và đối mặt với nhiều vụ kiện từ gia đình những tín đồ đã quyên góp khoản tiền lớn.
Tỷ lệ ủng hộ của người dân với chính phủ của Thủ tướng Fumio Kishida chỉ còn khoảng 30%, sau khi nhiều quan chức cấp cao trong nội các được xác định có liên hệ với Giáo hội Thống nhất. Sự giận dữ của người dân vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, dù ông Kishida đã cải tổ nội các ngày 10/8 và xử lý một số quan chức cấp cao vướng vào bê bối.
Như Tâm (Theo Reuters)