Chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba ngày 27/12 phê duyệt khoản ngân sách 115,54 nghìn tỷ yen (730 tỷ USD) trong năm tài khóa 2025, trong đó có 8,7 nghìn tỷ yen (55 tỷ USD) dành cho quốc phòng, cao nhất từ trước đến nay khi tính theo đồng nội tệ.
Ngân sách quốc phòng dự kiến năm 2025 của Nhật vượt qua kỷ lục cũ là 7,9 nghìn tỷ yen (56 tỷ USD theo tỷ giá hối đoái khi phê duyệt) trong năm tài khóa 2024 và là năm thứ 13 liên tiếp Nhật Bản tăng ngân sách quốc phòng. Ngân sách dự kiến này sẽ cần được quốc hội phê duyệt để chính thức có hiệu lực.
Chính phủ Nhật dự kiến chi 5,9 tỷ USD để tăng cường năng lực tấn công tầm xa trong năm tới. Tokyo còn phân bổ hơn 260 triệu USD để mua hai máy bay không người lái (UAV) MQ-9B Sea Guardian, phiên bản tuần thám hàng hải phi vũ trang của dòng MQ-9 Reaper.
Tokyo cũng sẽ dành ra khoảng 2,6 tỷ USD để nâng cao đời sống cho binh sĩ, trong lúc đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực cho quân đội do già hóa dân số. Theo đó, 2,4 tỷ USD sẽ được chi để nâng cấp môi trường sống và làm việc của quân nhân; 105 triệu USD được phân bổ để cải thiện chính sách đãi ngộ, trong đó có mức lương cao hơn.
Ngoài ra, 12 triệu USD sẽ được chi để hỗ trợ binh sĩ tìm việc sau khi xuất ngũ, do quân nhân Nhật Bản thường nghỉ hưu sớm hơn so với nhân viên văn phòng bình thường.
"Dù xe tăng và phương tiện quân sự chúng ta có mạnh đến đâu, sẽ là vô nghĩa nếu không có đủ người để vận hành chúng", Thủ tướng Ishiba nói hôm 26/12.
Một khoản chi đáng chú ý khác là gần 690 triệu USD cho dự án hợp tác phát triển mẫu chiến đấu cơ thế hệ mới với Italy và Anh, dự kiến xuất xưởng chiếc đầu tiên vào năm 2035.
Tokyo cũng sẽ phân bổ ngân sách cho mục tiêu sở hữu một hệ thống thu thập thông tin vệ tinh về tên lửa đạn đạo, cũng như hoạt động của tàu thuyền trong các vùng biển quanh Nhật Bản, trong đó có khu vực nước này đang tranh chấp với Trung Quốc.
Dự thảo ngân sách quốc phòng cao kỷ lục được đưa ra trong bối cảnh Bộ Quốc Phòng Nhật Bản cho biết Tokyo đang đối mặt với "môi trường an ninh phức tạp và khắc nghiệt nhất" kể từ Thế chiến II. Nước này cũng đang bước vào năm thứ ba của kế hoạch hiện đại hóa quân đội kéo dài 5 năm.
Kế hoạch này nhấn mạnh vào cải thiện năng lực phòng thủ tầm xa, tấn công mục tiêu ở ngoài tầm phản kích của đối thủ, cũng như tăng cường ưu thế ở các lĩnh vực liên quan thiết bị không người lái, thông qua hợp tác với đồng minh và những quốc gia cùng chí hướng.
Nhật Bản hồi đầu năm thử nghiệm thành công phiên bản tăng tầm của tên lửa diệt hạm Type-12, có khả năng bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 900-1.200 km.
Phạm Giang (Theo AFP, Kyodo)