Hôm Chủ nhật, Thủ tướng Nhật Naoto Kan nhận định thiên tai động đất, sóng thần lần này là thảm họa lớn nhất của đất nước kể từ sau Thế chiến thứ 2, với số lượng người chết tăng lên từng ngày và hiện được ước tính lên đến con số 10.000.
Tại những vùng bị ảnh hưởng, sản xuất bị đình trệ, nhất là các ngành ôtô, điện tử tiêu dùng, thép, giấy. Tình trạng mất điện khiến nhiều nhà máy không thể hoạt động ít nhất trong vài tuần tới.
Một người đàn ông an ủi người phụ nữ khi cô này khóc trước căn nhà đã bị phá hủy tan tành tại thị trấn Watari ở tỉnh Miyagi hôm 14/3. Ảnh: AFP |
Cơ sở hạ tầng của đất nước bị tàn phá khiến GDP quý hai và ba chịu nhiều áp lực. Các chuyên gia từ ngân hàng Nomura dự báo, kinh tế Nhật có thể sẽ thoát khỏi tình trạng u ám như hiện nay vào quý ba hoặc bốn, thay vì quý hai như trong dự báo đưa ra trước đó.
Việc tính toán thiệt hại ở thời điểm này là công việc rất khó khăn. Giới phân tích đưa ra những con số khác nhau về mức độ thiệt hai. Hãng tư vấn Societe Generale SA cho rằng cái giá của thảm họa này có thể lên tới 10.000 tỷ yen (120 tỷ USD) tương đương 2% GDP Nhật Bản. Còn hãng Credit Agricole CIB thì lại đưa ra con số 1%. Ngân hàng Singapore DBS Bank ước tính thiết hại sơ bộ của thảm họa có thể là 100 tỷ USD.
Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là nếu căn cứ trên những thảm họa khác từng xảy ra trong quá khứ, nền kinh tế Nhật bị ảnh hưởng nặng nề từ trận động đất khủng khiếp này.
Nước Nhật vẫn chưa quên bài học từ trận động đất năm 1995 tại thành phố Kobe. Thảm họa năm đó đã giết chết 6.000 người, gây tổn thất 10.000 tỷ yen, tương đương 120 tỷ USD tính theo tỷ giá ngày nay và tương đương 2,5% GDP Nhật Bản. So sánh về quy mô, thảm họa năm đó ảnh hưởng đến nhiều cảng biển lớn và tác động mạnh hơn đến các ngành sản xuất của Nhật Bản so với trận động đất, sóng thần hôm thứ sáu tuần trước.
Hai vùng bị ảnh hưởng nặng nhất trong vụ động đất Kobe năm 1995 có tỷ trọng 12,4% trong GDP Nhật Bản. Trong khi 5 khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất lần này chiếm tổng cộng 7,8%.
Nhưng trong cái rủi cũng có tín hiệu lạc quan. "Thảm họa thiên nhiên rõ ràng có tác động tiêu cực đối với tăng trưởng trong ngắn hạn, tuy nhiên về trung hạn có thể tích cực", Glenn Maguire, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của hãng Société Générale nói. Ông cho rằng sóng thần có thể khiến nền kinh tế chao đảo nhưng về trung hạn, sự trở lại của nguồn vốn đầu tư sẽ tạo nền tảng cho sự phục hồi còn mạnh mẽ hơn trước.
Trong báo cáo của mình, chuyên gia từ Goldman Sachs cho rằng tổn thất từ việc kinh doanh bị đình đốn là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, các chuyên này nhận định, những doanh nghiệp, ngành kinh doanh ở các vùng không bị ảnh hưởng bởi động đất sẽ tăng cường năng suất làm việc và bù đắp được tổn thất. "Do đó, chúng tôi hoàn toàn có cơ sở để tin rằng những ảnh hưởng của động đất lên sản xuất về mặt dài hạn là không quá lớn", chuyên gia này nhận định.
Thanh Bình