Khi Thủ tướng Shinzo Abe ngày 7/4 tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một tháng tại Tokyo và 6 khu vực khác trong bối cảnh số ca nhiễm tăng mạnh, các chuyên gia y tế nhận định đây là sự thừa nhận ngầm rằng cách làm trước đây của Nhật không hiệu quả và giờ đây họ đang hối hả "làm chuồng" sau khi "mất bò".
Khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở những đô thị lớn nhất cả nước, Thủ tướng Abe vẫn tìm cách vẽ ra bức tranh lạc quan. Bằng cách khuyến cáo người dân giảm tiếp xúc với nhau, ông cho rằng tình trạng lây lan của Covid-19 có thể giảm trong hai tuần.
Nhưng các chuyên gia chỉ ra rằng đánh giá này có thể quá "màu hồng", khi Nhật đã ghi nhận hơn 4.200 ca nhiễm, gấp đôi số lượng một tuần trước đó, và hơn 90 ca tử vong.
"Nhật đã xử lý tệ", Kenji Shibuya, giám đốc Viện Sức khỏe Dân số tại King's College London, nói. Theo ông, các ca nhiễm nCoV được xác nhận ở nước này chỉ là "phần nổi của tảng băng".
Tình trạng khẩn cấp do Thủ tướng Nhật ban bố vẫn có nhiều hạn chế, vì nó phụ thuộc phần lớn vào tinh thần tuân thủ tự nguyện của người dân. Ông Abe nhấn mạnh đây không phải là lệnh phong tỏa và giao thông công cộng sẽ tiếp tục hoạt động. Thống đốc tỉnh chỉ có thể yêu cầu mọi người làm việc tại nhà và tránh ra ngoài.
Một ngày trước đó, Abe tuyên bố nước này sẽ tăng khả năng xét nghiệm nCoV lên 20.000 người mỗi ngày. Nhật hiện có khả năng xét nghiệm 7.500 ca một ngày nhưng thực tế, họ thực hiện chưa đến một nửa số đó.
Các chuyên gia tư vấn cho chính phủ bất đồng ý kiến về việc liệu Nhật Bản, nơi chưa báo cáo số ca nhiễm tăng ồ ạt như Italy hay Mỹ, có đang trong thời điểm khủng hoảng hay không.
Hitoshi Oshitani, giáo sư virus học tại Đại học Tohoku ở đông bắc Nhật Bản và là cố vấn của chính phủ, viết trên Twitter tuần trước rằng nguy cơ lây nhiễm là rất thấp nếu mọi người tiếp tục sinh hoạt bình thường, trừ khi họ đến các điểm nóng. Những nơi đó được chính phủ định nghĩa là "không gian kín, đông người tụ tập ở khoảng cách gần".
Trong khi đó, một số cố vấn khác cảnh báo về giai đoạn mới đầy nguy hiểm. Tại Tokyo, số ca nhiễm tăng gấp đôi trong 5 ngày qua lên hơn 1.000. "Có thể Tokyo đang bước vào giai đoạn ca nhiễm tăng theo cấp số nhân", giáo sư dịch tễ học tại Đại học Hokkaido, thành viên hội đồng chuyên gia tư vấn cho chính phủ Nhật Bản, nói với Nikkei tuần trước. Ông cho rằng cần phải áp đặt hạn chế mạnh mẽ hơn để ngăn người dân ra ngoài so với việc khuyến cáo mọi người tự giác chấp hành.
Nhật phải sửa đổi hiến pháp mới có thể áp đặt phong tỏa. Luật mà ông Abe dựa vào để tuyên bố tình trạng khẩn cấp không cho ông quyền ra lệnh cho người dân ở nhà hay buộc doanh nghiệp đóng cửa như các quốc gia khác. Tuy nhiên, Abe có thể yêu cầu thống đốc các tỉnh đóng cửa trường học và trưng dụng tòa nhà cho mục đích y tế, nhưng chính quyền không thể trừng phạt người phớt lờ khuyến cáo ở nhà hoặc làm việc từ xa.
Mikiko Eto, hiệu trưởng nhà trẻ Hatto ở Tokyo, hy vọng phụ huynh tuân thủ khuyến cáo. Cho đến tuần trước, phần lớn 150 trẻ thường xuyên đi học vẫn đến lớp mỗi sáng. Ngày 6/4, khi số ca nhiễm ở Tokyo gia tăng, Eto gửi email đề nghị phụ huynh giữ con ở nhà. Khoảng 1/3 số học sinh không đến lớp vào ngày hôm đó. Thủ tướng Abe ngày 7/4 nói rằng không thể đóng cửa nhà trẻ vì một số phụ huynh không thể tự trông con.
Giới chức y tế Nhật Bản đã trấn an công chúng rằng họ kiềm chế dịch bằng cách đóng cửa trường học, thúc giục hủy bỏ sự kiện văn hóa và thể thao lớn, cảnh báo mọi người tránh tụ tập trong không gian kín như trong karaoke, quán bar hoặc câu lạc bộ đêm.
Trái ngược với các quốc gia khác như Đức và Hàn Quốc, những bên đã đạt được một số thành công trong việc kiềm chế dịch, Nhật không xét nghiệm nCoV trên diện rộng.
Cho đến tuần trước, giới chức y tế công cộng lập luận rằng quy định yêu cầu tất cả người dương tính với nCoV phải nhập viện có nguy cơ khiến hệ thống y tế quá tải khi phải tiếp nhận cả người có triệu chứng nhẹ. Chính phủ đã thay đổi quy tắc đó và ông Abe thông báo trưng dụng 10.000 phòng khách sạn ở Tokyo và 3.000 phòng ở khu vực Kansai để làm nơi tiếp nhận bệnh nhân nhẹ. Khoảng 800 người cũng có thể ở lại làng Olympic tại Tokyo.
Các cụm dịch mới xuất hiện trong và xung quanh thủ đô, gồm một số bệnh viện ở Tokyo. Tại Bệnh viện Đại học Keio, 18 người nhiễm nCoV sau khi cùng dự một bữa tiệc tối.
Cả hai dịp cuối tuần vừa qua, Thống đốc Tokyo Yuriko Koike đều yêu cầu cư dân ở nhà, chỉ ra ngoài vì mục đích thiết yếu. Bà khuyến khích mọi người làm việc từ xa và tránh ra ngoài vào buổi tối. Các cơ sở giải trí về đêm và khu mua sắm nổi tiếng đã thưa người hơn, nhưng theo khảo sát của Bộ Đất đai, Cơ sở Hạ tầng, Giao thông Vận tải và Du lịch, chỉ hơn 1/8 số người được hỏi cho biết họ làm việc tại nhà để phòng ngừa nCoV.
Sáng 7/4, trước khi tình trạng khẩn cấp có hiệu lực, rất đông người đi làm vẫn đổ về các ga tàu ở Tokyo và Shibuya, hai trong số các ga lớn nhất Tokyo.
Vì Nhật vẫn ghi nhận số ca tử vong tương đối thấp, chưa đến 100 ca, một số người nói rằng họ không thấy cần phải tránh mọi tiếp xúc xã hội. "Nếu các chuyến tàu chật ních người là vấn đề thì chúng ta đã phải thấy ác mộng ở Nhật từ lâu rồi", Takuji Okubo, giám đốc Mạng lưới Kinh tế Doanh nghiệp Bắc Á, nói. Okubo quan tâm nhiều hơn đến thiệt hại kinh tế. Ông cũng cho rằng có ít nguy cơ lây nhiễm từ việc mua sắm tại trung tâm thương mại và ăn uống trong nhà hàng.
Một số chuyên gia bày tỏ lo lắng chính phủ Nhật Bản chỉ tập trung cảnh báo về những nơi nCoV có thể lây lan. Trong khi đó, nhiều ca nhiễm mới nhất không thể truy dấu nguồn lây, nghĩa là giới chức không biết người nhiễm đã lây từ đâu.
Chuyên gia y tế cũng lo ngại hệ thống bệnh viện Nhật Bản có thể nhanh chóng bị quá tải. Theo Hiệp hội Chăm sóc Tích cực Nhật Bản, nước này có 5 giường chăm sóc tích cực trên 100.000 người, so với gần 30 ở Đức và 12 ở Italy.
"Đối với hầu hết quốc gia, câu hỏi không phải là 'họ sẽ tránh được sao?' mà là 'khi nào nó sẽ tới'. Điều này cũng đúng với Nhật", Keiji Fukuda, giám đốc Trường Y tế Công cộng tại Đại học Hong Kong, nói.
Dù nhiều người Nhật đeo khẩu trang ở nơi công cộng, sự gia tăng đột biến số ca nhiễm ở Tokyo cho thấy việc che mặt không thể bảo vệ toàn diện cho người dân. "Nhiều người đeo khẩu trang là chưa đủ, họ chưa thực hiện 'cách biệt cộng đồng'", Peter Rabinowitz, đồng giám đốc Trung tâm Phòng chống Đại dịch và An ninh Y tế Toàn cầu của Đại học Washington, nói.
Khi tình hình dịch ở Nhật đang xấu đi, một số người đã điều chỉnh thói quen. Masataka Morita, giám đốc bộ phận quan hệ công chúng của Hitachi, cho biết giờ anh họp tại nhà qua Skype trong khi chăm ba con trai.
Morita không còn có thể thăm cha mình, người đã nằm viện trong 4 tháng qua, dù không phải vì nCoV. Khi anh đưa con về thăm mẹ cuối tuần trước, họ quyết định không đến nhà hàng sushi như mọi khi.
Tuần trước, Morita đến văn phòng trong khoảng hai giờ. Giờ đây, khi tình trạng khẩn cấp đã được ban bố, anh sẽ không làm vậy nữa.
Phương Vũ (Theo NYTimes)