Hàn Quốc đã nhận được sự khen ngợi từ toàn cầu vì đã nhanh chóng tăng cường năng lực xét nghiệm trong thời gian ngắn và đến nay đã xét nghiệm hơn 394.000 người, phát hiện gần 9.600 ca nhiễm.
Nhật Bản, quốc gia với khoảng 127 triệu dân, gấp hơn hai lần dân số Hàn Quốc, mới chỉ tiến hành hơn 48.000 xét nghiệm trên khoảng 28.000 người và phát hiện hơn 1.700 ca nhiễm.
Nhật Bản trong suốt nhiều tuần đã trở thành tâm điểm của một cuộc tranh luận. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra như: Phải chăng nước này ghi nhận số ca nhiễm thấp hơn Hàn Quốc đơn giản vì họ xét nghiệm ít hơn? Liệu chính phủ Nhật Bản đang phân bổ tài nguyên một cách khôn ngoan hay đang sai lầm trong chiến lược chống dịch?
Giống như Mỹ, chính phủ Nhật Bản đã hứng chỉ trích ở những tuần đầu tiên dịch bùng phát vì không kịp thời cải thiện năng lực xét nghiệm.
Theo hướng dẫn từ chính phủ Nhật Bản, các bệnh nhân không phải người cao tuổi được khuyến cáo không đến gặp bác sĩ nếu sốt chưa quá 4 ngày và họ cũng không thể xét nghiệm nCoV nếu không có khuyến nghị từ bác sĩ. Kết quả là những số liệu từ Nhật Bản bị nghi ngờ chưa phản ánh đúng số người nhiễm bệnh thực tế.
Nhưng những người ủng hộ phương pháp trên lập luận rằng nó cho phép hệ thống y tế Nhật tập trung nguồn lực hữu hạn vào những người thực sự bị bệnh nặng và giữ cho số ca tử vong ở mức tương đối thấp. Đến nay, Nhật ghi nhận 56 ca tử vong do nCoV.
"Người dân không nên đến cơ sở y tế nếu họ không ốm quá nặng", Hitoshi Oshitani, giáo sư virus học tại Đại học Tohoku, thành viên hội đồng cố vấn chính phủ Nhật Bản, nói.
Theo ông, để phát hiện ra tất cả người nhiễm virus là điều bất khả thi bởi người trẻ thường không xuất hiện triệu chứng, vì thế chiến lược tốt nhất là tập trung vào những bệnh nhân nghiêm trọng nhất và yêu cầu những người có triệu chứng nhẹ cách ly tại gia.
Một phòng chờ khám bệnh chật cứng rõ ràng tiềm ẩn nguy cơ đối với những người không nhiễm virus, giáo sư Oshitani cho hay.
Nhật Bản cho rằng xét nghiệm không chính xác thậm chí còn gây tác hại lớn hơn. Tuần trước, Tây Ban Nha ngừng sử dụng bộ xét nghiệm nhập khẩu từ Trung Quốc sau khi nhận thấy tỷ lệ chính xác chỉ ở mức 30%.
Tại Mỹ, năng lực xét nghiệm đang tăng lên nhanh chóng. Theo số liệu từ Nhà Trắng, tính đến 27/3, Mỹ đã hoàn thành gần 900.000 xét nghiệm. Song nhà chức trách cũng đang thay đổi thông điệp phát đi. Giờ đây, người dân được khuyên rằng nếu bạn xuất hiện những triệu chứng có thể kiểm soát được, bạn không cần xét nghiệm và nên ở nhà.
Tình trạng thiếu hụt vật tư y tế đòi hỏi chính quyền phải phân bổ nguồn lực tới nơi cần nhất. Phó tổng thống Mike Pence, người hồi đầu tháng tuyên bố rằng "bất kỳ người Mỹ nào cũng có thể được xét nghiệm" nếu bác sĩ yêu cầu, tuần qua đã thay đổi lập trường.
"Nếu bạn không có triệu chứng gì, bạn không cần làm xét nghiệm nCoV. Chúng tôi khuyến khích mọi người dân Mỹ tuân thủ điều đó để đảm bảo tài nguyên dành cho việc xét nghiệm đủ dùng với những người xuất hiện triệu chứng", ông nói.
Qua một số thống kê, Nhật Bản dường như đã thành công với cách tiếp cận này. Đến nay, họ vẫn kìm hãm được dịch bệnh, không để nó lây lan mạnh mẽ như từng xảy ra ở Hàn Quốc hay đang diễn ra ở châu Âu và Mỹ. Hệ thống y tế Nhật không gặp tình trạng quá tải vì tiếp nhận bệnh nhân Covid-19.
Tuy nhiên, giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Quản trị Y tế Nhật Masahiro Kami nhận định việc xét nghiệm không đủ có khả năng khiến chính phủ không thể đánh giá đúng mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh và khiến người dân mất cảnh giác.
"Không có cách nào nắm bắt chính xác tình hình. Hệ quả là chúng ta không thể xây dựng các biện pháp phù hợp" nhằm ngăn virus lây lan, ông nhấn mạnh.
Hành vi của người dân Nhật Bản đã chứng minh cho nhận định của Kami. Tháng qua, người dân Tokyo vẫn tụ tập tại các công viên để ngắm hoa anh đào nở. Những nhà hàng, quán bar vẫn thu hút đông người.
Trong khi đó tại Hàn Quốc, chính phủ đã nhanh chóng cấp phép cho khu vực tư nhân tiến hành xét nghiệm nCoV, đồng thời thiết lập hàng trăm điểm xét nghiệm nhanh lưu động.
"Một chẩn đoán phù hợp giúp truyền đạt các rủi ro tới bệnh nhân, giúp họ có biện pháp phòng ngừa tương ứng", Hwang, Seung-sik, giáo sư y tế công cộng tại Đại học Quốc gia Seoul, nhận xét.
Để cách ly các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ và ngăn họ truyền bệnh cho những thành viên khác trong gia đình, chính phủ Hàn Quốc đã thành lập 400 trung tâm nơi bệnh nhân được theo dõi sức khỏe và nhanh chóng chuyển sang chăm sóc đặc biệt khi cần.
"Cách tiếp cận theo dõi, lần dấu vết và điều trị có thể tạo gánh nặng lên hệ thống y tế nhưng để bệnh nhân trong bóng tối sẽ tạo ra vấn đề đạo đức và không hiệu quả về mặt y tế", Hwang nói.
Hàn Quốc chứng kiến số ca bệnh tăng nhanh ở giai đoạn đầu bùng phát dịch nhưng đã làm chậm đáng kể tốc độ lây lan trong những tuần gần đây.
Tuần trước, hội đồng chuyên gia của chính phủ Nhật Bản cho biết có khả năng Covid-19 đã "lan tràn" và các đường phố Tokyo cuối cùng cũng bắt đầu vắng bóng người.
Vũ Hoàng (Theo Washington Post)