Tờ Yomiuri của Nhật hôm nay dẫn các nguồn tin chính phủ cho biết chính phủ Nhật Bản nhiều khả năng đưa ra quyết định chính thức vào cuối tháng này. Hiện các quan chức dự kiến tham dự đều là nhân sự liên quan Thế vận hội, trong đó có Seiko Hashimoto, cựu trưởng ban tổ chức Olympic Tokyo.
Trước đó một ngày, người phát ngôn của chính phủ Nhật Bản cho biết chưa có quyết định liệu nước này có kế hoạch cử quan chức tham dự sự kiện hay không.
Olympic Mùa đông tại Bắc Kinh sẽ diễn ra vào tháng hai năm sau. Chính phủ các nước thường cử phái đoàn ngoại giao tới dự lễ khai mạc và bế mạc Olympic.
Mỹ hôm 6/12 là nước đầu tiên tuyên bố không cử quan chức đến Olympic và Paralympic Mùa đông Bắc Kinh 2022 vì "những tội ác chống lại loài người ở Tân Cương và nhiều hoạt động vi phạm nhân quyền của Trung Quốc". New Zealand, Australia, Anh và Canada sau đó cũng ra tuyên bố tương tự và nêu quan ngại về vấn đề nhân quyền Trung Quốc.
Trung Quốc chỉ trích động thái "tẩy chay ngoại giao" Olympic là "thao túng chính trị" và cảnh báo các nước này sẽ phải trả giá.
Chính phủ của Thủ tướng Fumio Kishida đang phải đối mặt với áp lực gia tăng cả trong và ngoài nước về tham gia "tẩy chay ngoại giao" Olympic. Một số thành viên đảng Dân chủ Tự do cầm quyền nói rằng Nhật nên tiếp bước Mỹ và các nước.
Kishida dự định chờ xem các quốc gia khác phản ứng như thế nào trước khi đưa ra quyết định. Tuy nhiên, những lời kêu gọi hành động cứng rắn với Trung Quốc đang tăng lên mỗi ngày. Tại cuộc họp hôm 9/12, cựu thủ tướng Shinzo Abe nói rằng "chính phủ phải thể hiện thái độ chính trị và đưa ra thông điệp về tình hình nhân quyền" ở vùng Tân Cương của Trung Quốc.
"Đây không phải lúc để thể hiện ý chí của Nhật Bản sao?", Abe nói, đồng thời thúc giục chính phủ sớm đưa ra quyết định.
Dù vậy, chính phủ của Thủ tướng Kishida vẫn tỏ ra thận trọng. "Tôi sẽ quyết định phản ứng của chính phủ Nhật vào thời điểm thích hợp dựa trên lợi ích quốc gia sau khi xem xét toàn diện yếu tố ngoại giao và các yếu tố khác", Kishida cho biết.
Huyền Lê (Theo Reuters, Japan Times)