![Một đài radar trong hệ thống J/FPS-3 của JASDF. Ảnh: Nikkei.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2018/12/10/J-FPS-3-1-2060-1544443820.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=_oYRDTtmk7d-FBjm3ko1Bw)
Một đài radar trong hệ thống J/FPS-3 của JASDF. Ảnh: Nikkei.
Nhật Bản đang đề xuất bán phiên bản nâng cấp của tổ hợp radar phòng không J/FPS-3, vốn được Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản (JASDF) biên chế từ năm 1991. Nếu hợp đồng được ký kết, đây sẽ là lần đầu tiên Tokyo xuất khẩu trang bị quốc phòng trong 51 năm qua, Nikkei đưa tin.
Mỗi tổ hợp J/FPS-3 nâng cấp có mức giá dự kiến 8,9-18 triệu USD. Tokyo cho rằng việc chào bán radar đời cũ được hiện đại hóa sẽ đáp ứng yêu cầu chi phí thấp của Manila, tăng khả năng giành được đơn hàng. Quân đội Philippines dường như cũng đang xem xét các sản phẩm do Israel và Mỹ sản xuất, quyết định đặt mua sẽ được công bố vào đầu năm sau.
Phiên bản J/FPS-3 có tầm hoạt động tối đa khoảng 450 km, được JASDF tích hợp vào các hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo và phát hiện vật thể xâm phạm không phận từ xa.
Nhật Bản đang tìm cách tăng cường hợp tác quân sự với Philippines trong những năm gần đây. Bên cạnh hàng loạt cuộc diễn tập trung, Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF) cũng tặng một số máy bay huấn luyện TC-90 cho quân đội Philippines, trong khi Bộ Quốc phòng Nhật hồi tháng 6 đồng ý bán linh kiện trực thăng UH-1H cho Manila.
Tokyo đã áp dụng lệnh cấm xuất khẩu vũ khí từ năm 1967 cho tới tháng 4/2014, thời điểm chính phủ nước này thông qua điều luật cho phép chuyển giao trang bị, công nghệ quốc phòng cho nước ngoài trong một số điều kiện nhất định, như hỗ trợ tăng cường an ninh của Nhật Bản.
Nhật Bản chưa giành được hợp đồng nào từ khi gỡ bỏ lệnh cấm. Nước này từng muốn xuất khẩu tàu ngầm cho Australia nhưng để thua Pháp trong cuộc đấu thầu năm 2016, cũng như để mất hợp đồng cung cấp radar J/FPS-3 cho Thái Lan.