Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết trong cuộc họp báo hôm nay rằng khuôn khổ mới Hỗ trợ An ninh Nước ngoài (OSA) sẽ hoạt động tách biệt với chương trình Hỗ trợ Phát triển Nước ngoài (ODA), vốn đã tài trợ cho các cơ sở hạ tầng dân sự trong nhiều thập kỷ.
Theo đó, Tokyo sẽ cung cấp viện trợ cho quân đội "các quốc gia chung chí hướng", nhằm mục tiêu tăng khả năng an ninh và răn đe của họ, hướng tới tạo ra môi trường an ninh thuận lợi cho Nhật Bản, theo Bộ Ngoại giao nước này.
Văn phòng Nội các Nhật Bản cho biết viện trợ có thể hướng tới các lĩnh vực như theo dõi, giám sát lãnh hải, không phận cũng như chống khủng bố và cướp biển. Kyodo đưa tin chính phủ Nhật Bản đã chỉ định hai tỷ yen (15 triệu USD) để viện trợ cho quân đội nước ngoài cho đến tháng 3/2024.
Tokyo chưa nêu tên các quốc gia có thể hưởng viện trợ nhưng cho biết rằng theo nguyên tắc, chỉ các nước đang phát triển nằm trong chương trình này. Reuters đưa tin các bên đầu tiên nhận được có thể là Philippines, Malaysia, Bangladesh hoặc Fiji.
Các quốc gia nhận viện trợ không được dùng khoản này để mua vũ khí sát thương có thể được sử dụng trong các cuộc xung đột với những nước khác.
Quy định này dựa theo ba nguyên tắc kiểm soát chuyển giao vũ khí của Nhật Bản, gồm cấm chuyển giao vũ khí có thể cản trở việc duy trì hòa bình, an ninh quốc tế; phải rà soát kỹ, hạn chế chuyển giao vũ khí và chỉ chuyển giao vũ khí khi có các biện pháp ngăn chặn trường hợp vũ khí bị sử dụng ngoài ý muốn hoặc chuyển giao cho các nước thứ ba.
Động thái này là một phần trong sự thay đổi lớn của Tokyo. Nhật Bản năm ngoái công bố kế hoạch cải tổ an ninh, cam kết tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP vào năm 2027 và coi Trung Quốc là "thách thức chiến lược lớn nhất từ trước đến nay".
Hiến pháp thời hậu chiến của Nhật Bản giới hạn hoạt động của quân đội nước này trên danh nghĩa ở khả năng phòng thủ và không được liên quan trực tiếp tới bất cứ cuộc xung đột quốc tế nào.
Ngọc Ánh (Theo AFP)