Tại buổi nói chuyện "Kiều và cái hồng nhan" ngày 20/6, nhà thơ, dịch giả Nhật Chiêu nói Nguyễn Du sử dụng tiếng Việt đa nghĩa, nâng tầm triết lý của ngôn ngữ khi vào thơ. Ông nhận định: "Chưa bao giờ tiếng nước ta lại gợi hình, gợi cảm như trong thơ Nguyễn Du. Hiệu quả truyền đạt đến từ cách kết hợp từ sáng tạo, chưa chắc cắt nghĩa ngay được".
Nhà nghiên cứu Truyện Kiều phân tích thêm một số cách sử dụng từ ngữ của tác phẩm. Câu thơ 2846 "Càng âu duyên mới càng dào tình xưa" diễn tả Kim Trọng nhớ Kiều khi ở bên Vân. Theo ông, trước Nguyễn Du, chưa ai sử dụng cách nói "âu duyên". Âu là âu lo cũng là âu yếm. Một chữ "âu" hàm chứa tình cảnh của Trọng: bên người em nhưng lòng nổi cơn sóng mang tên Thúy Kiều. "Nguyễn Du kéo - căng - đào - khơi tiếng Việt ra, đi vào sơn cùng thủy tận của cõi ngôn ngữ. Mạch ngầm trong ngôn ngữ Nguyễn Du, ngoài Nguyễn Du không có người thứ hai", ông nói.
Nhật Chiêu cắt nghĩa về cách gọi "cái hồng nhan". Ông lấy cảm hứng từ câu Kiều: "Còn chi là cái hồng nhan/ Đã xong thân thế còn toan nỗi nào?". "Cái hồng nhan" của Nguyễn Du có những nỗi đau đời thường. Sống an nhàn như Vân, sống trong nhung lụa như Hoạn Thư hay 15 năm sống lận đận như Kiều có những khó khăn riêng. Vì thế, người đọc thấy thương xót và đồng cảm với những con người trong thơ. Cả ba mang đặc điểm của hồng nhan Việt Nam kiên cường, tinh tế và đại diện thân phận con người trong hoàn cảnh khó khăn ở bất kì thời kì nào. Trong quyển Masterpieces of non-western world literature (Những bậc thầy không-phải-phương-Tây của văn học thế giới), tác giả Thomas L. Cooksey. viết: "Kiều là nhân loại". Tìm hiểu Kiều là tìm hiểu giá trị con người thời đại Nguyễn Du gửi gắm.
Dịp kỷ niệm 200 năm ngày mất Nguyễn Du, một số chương trình, sự kiện diễn ra như: khởi quay phim tài liệu nghệ thuật Đại thi hào Nguyễn Du kinh phí 15 tỷ đồng, vở ballet truyện Kiều sử dụng công nghệ hologram vừa ra mắt của Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP HCM (HBSO) - 20/6 tại Nhà hát TP HCM.
Dành tâm huyết nghiên cứu Truyện Kiều, Nhật Chiêu có nhiều bài phân tích, nghiên cứu về giá trị tác phẩm như: Nói lái trong Truyện Kiều, Triết lý Tarot và Truyện Kiều: Từ ngây thơ đến thế giới... Ông là tác giả của nhiều tập thơ, truyện ngắn nổi tiếng như: Mưa mặt nạ, Người ăn gió và quả chuông bay đi, Lời tiên tri của giọt sương, Tôi là một kẻ khác...
Quỳnh Quyên