Lễ bổ dưa diễn ra vào ngày 11/11 tại vườn thực vật Sakuya Konohana ở quận Tsurumi, tỉnh Osaka. Đây là quả từ cây dưa hấu mọc giữa dải phân cách tại một tuyến đường đông đúc, sau đó được giới chức chuyển về trưng bày tại vườn từ ngày 20/10.
Cuộc "giải cứu" dưa từng lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Truyền thông Nhật đặt biệt danh cho quả này là "dưa hấu can đảm" khi có thể mọc lên và phát triển giữa đô thị, điều mà các chuyên gia hạt giống cho là "điều kỳ diệu", bởi hoa dưa chỉ nở trong thời gian ngắn và cần thụ phấn đúng cách.
Hàng chục người đã tới chứng kiến lễ bổ "dưa hấu can đảm". Để tham dự buổi lễ, họ phải mua vé vào cửa vườn thực vật với giá 500 yen mỗi người. Sau phần giới thiệu, nhân viên vườn thực vật bổ quả dưa có đường kính khoảng 10 cm làm đôi, lộ phần ruột đỏ, trong tiếng vỗ tay, hò reo của khách tham dự.
Sau khi các nhân viên vườn thực vật nếm thử, nhiều khách đã xếp hàng để được thưởng thức ruột quả dưa. Họ đều cho rằng vị của "dưa hấu can đảm" ngọt hơn cả dưa mua bên ngoài.
Lễ bổ dưa tại vườn thực vật Sakuya Konohana, quận Tsurumi, tỉnh Osaka, ngày 11/11. Video: Nippon TV
"Tôi phẫu thuật bàn chân hồi đầu năm, phục hồi chức năng rất vất vả. Dưa hấu đã cho tôi thêm can đảm để tiếp tục quá trình này", một phụ nữ Nhật Bản 50 tuổi nói.
Theo Ryo Uedana, quản lý vườn Sakuya Konohana, cây dưa hấu có thể đã nảy mầm từ hạt giống do chim đánh rơi. Họ đã thu được nhiều hạt giống sau khi bổ quả dưa.
"Hạt giống đang ở tình trạng tốt, chúng tôi sẽ gieo hạt, trồng 'dưa hấu can đảm thế hệ hai''', ông nói. Hạt dự kiến được gieo trong mùa xuân năm sau, khi thời tiết thuận lợi.
Đức Trung (Theo NHK, Nippon TV)