JICA cho biết 3 dự án trong khoản vay ODA lần này liên quan đến phục hồi kinh tế sau đại dịch, cải tạo hạ tầng giao thông và phát triển nông nghiệp.
Trong đó, thỏa thuận vay hỗ trợ ngân sách cho chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam hậu Covid-19 có giá trị lớn nhất, trị giá 50 tỷ yen, tương đương 8.750 tỷ đồng. Đây là khoản vay có lãi suất ưu đãi nhất từ trước đến nay, theo cơ chế giải ngân nhanh, hòa trực tiếp vào ngân sách nhà nước.
Theo JICA, việc kết quả tăng trưởng Việt Nam nửa đầu năm thấp cho thấy tầm quan trọng, tính cấp thiết của các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy chi tiêu công của Chính phủ để kích thích nền kinh tế. Khoản ODA này sẽ cung cấp cho Việt Nam nguồn vốn để thực hiện các chương trình này.
Khoản vay tiếp theo là cho dự án cải tạo hạ tầng giao thông công cộng tại Bình Dương, trị giá 6,3 tỷ yen (khoảng gần 1.100 tỷ đồng). Dự án này sẽ phát triển hệ thống xe buýt nhanh kết nối giao thông Bình Dương - TP HCM - Đồng Nai, tạo tiền đề để phát triển hệ thống giao thông định hướng dọc tuyến Metro.
Cuối cùng là khoản vay 4,7 tỷ yen (khoảng 829 tỷ đồng) hỗ trợ cơ sở hạ tầng nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng với các tiểu dự án trong lĩnh vực giao thông, thủy lợi và trung tâm giao dịch hoa.
Số liệu của Bộ Kế hoạch & Đầu tư hồi tháng 3 ghi nhận, sau hơn 30 năm, kể từ năm 1992 đến nay, Nhật Bản đã viện trợ với trên 2.700 tỷ yen ODA vốn vay (tức bình quân mỗi năm khoảng 90 tỷ yen), trong đó gần 100 tỷ yen không hoàn lại và xấp xỉ 180 tỷ yen hỗ trợ cho hợp tác kỹ thuật, cho Việt Nam. Vốn ODA của Nhật Bản chiếm trên 30% viện trợ phát triển song phương dành cho Việt Nam.
Như vậy, số tiền viện trợ ODA của Nhật dành cho Việt Nam lần này tương đối lớn nếu so với mức trung bình hàng năm khoảng 90 tỷ yen.
Đây là kết quả sau chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Nhật hồi tháng 5. Việc ký kết ba thỏa thuận vay ODA này đánh dấu một cột mốc quan trọng hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước Việt - Nhật.
Đức Minh