Bộ Tài chính Mỹ hôm 18/7 công bố báo cáo về trái phiếu chính phủ nước này. Theo đó, giá trị số trái phiếu chính phủ Mỹ do thực thể nước ngoài nắm giữ đã lên kỷ lục trong tháng 5, với 8.129 tỷ USD. Số liệu này tăng gần 100 tỷ USD so với tháng 4.
Sở hữu nhiều nhất vẫn là Nhật Bản, với 1.128 tỷ USD, giảm nhẹ so với 1.150 tỷ USD tháng trước đó. Xếp sau là Trung Quốc, với 768 tỷ USD, cũng giảm so với 770 tỷ USD hồi tháng 4. Vài năm qua, Nhật Bản và Trung Quốc thay phiên nhau giữ vị trí đầu tiên.
Lạm phát thấp và kinh tế trong nước tăng trưởng chậm nhiều năm qua khiến nhà đầu tư Nhật Bản đổ tiền ra nước ngoài. Điểm đến phổ biến nhất là Mỹ. Dù Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã chấm dứt chính sách lãi suất âm hồi tháng 3, giới chuyên gia cho rằng dòng chảy đầu tư này sẽ không sớm đổi hướng.
Nhà đầu tư hiện quan tâm đến lượng trái phiếu chính phủ Mỹ mà Nhật Bản nắm giữ. Việc số liệu này giảm được cho là kết quả của động thái can thiệp hỗ trợ đồng yen. Cuối tháng 4 - đầu tháng 5, giới chức Nhật Bản đã chi 9.800 tỷ yen (61,5 tỷ USD) để hỗ trợ nội tệ. Khi đó, mỗi USD đổi được 160,8 yen - thấp nhất 34 năm.
Dù vậy, yen Nhật sau đó còn xuống thấp hơn, có thời điểm chạm đáy 38 năm tại 161,9 JPY một USD hồi đầu tháng. Thị trường hiện cho rằng Tokyo đã can thiệp vài lần trong tháng này.
"Số liệu cho thấy các chủ nợ nước ngoài chủ yếu vẫn mua ròng trái phiếu chính phủ Mỹ. Nhật Bản là ngoại lệ nổi bật nhất, có thể do can thiệp hỗ trợ tỷ giá", Gennadiy Goldberg - chiến lược gia tại TD TD Securities nhận định.
Giá trái phiếu chính phủ Mỹ gần đây tăng lên, do lợi suất giảm khi nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất năm nay. Từ đầu năm, thị trường liên tục lùi dự báo về thời điểm Fed hành động, hiện có thể vào tháng 9, do cơ quan này cho biết cần thêm thời gian theo dõi lạm phát.
Trong tháng 5, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm còn 4,5%, từ 4,68% tháng trước đó. Lợi suất loại kỳ hạn 2 năm cũng giảm nhẹ về 4,9% tháng 5.
Hà Thu (theo Reuters)